Năm qua, việc Trung Quốc bán trái phiếu Kho bạc Mỹ khiến các nhà đầu tư không vui và đây là dấu hiệu được xem như thước đo sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cơ quan sở hữu lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, tiêu tốn 20% dự trữ của họ kể từ năm 2014, bán khoảng 250 tỉ USD trái phiếu Mỹ và sử dụng các quỹ để hỗ trợ nhân dân tệ, chặn dòng vốn thoái.
Tuy nhiên chuyện Đại lục bán trái phiếu Mỹ đang chậm lại, trong khi mức nắm giữ cổ phiếu Mỹ của Trung Quốc lại giảm mạnh.
Lượng cổ phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ giảm khoảng 126 tỉ USD, tương đương 38% , xuống còn 201 tỉ USD từ cuối tháng 7.2015 đến tháng 3.2016, theo số liệu Bộ Tài chính Mỹ. Con số này lớn hơn so với mức bán ra của các nhà đầu tư toàn cầu trong cùng khoảng thời gian. Tổng số cổ phiếu Mỹ được nước ngoài nắm giữ chỉ giảm 9% cùng kỳ. Ngược lại, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Đại lục nắm giữ tương đối ổn định, chỉ giảm khoảng 26 tỉ USD, tương đương 2%.
“Danh mục đầu tư Mỹ của Trung Quốc không chỉ bao gồm trái phiếu Kho bạc Mỹ. Để đánh giá hoạt động của Đại lục trên thị trường, cần thiết nhìn xa hơn trái phiếu Mỹ”, chuyên gia Brad Setser thuộc Hội đồng Đối ngoại ở New York cho hay.
Tình hình trên cho thấy PBOC vẫn còn chịu áp lực phải giữ cho nhân dân tệ không giảm giá quá mạnh. Động thái của Trung Quốc gợi nhắc giới đầu tư rằng nước này đã tích lũy đủ lượng cổ phiếu Mỹ để có thể ảnh hưởng thị trường tài chính quốc tế, dù 1.400 tỉ USD trái phiếu Mỹ là con số áp đảo các tài sản nước ngoài khác trong dự trữ ngoại hối của quốc gia châu Á.
Dù số chứng khoán Mỹ mà Đại lục bán ra là rất nhỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ vốn có quy mô 23.000 tỉ USD, đây vẫn là số liệu lớn so với khối lượng mà các nhà đầu tư lớn khác đang nắm giữ. Vanguard Total Stock Market Index Fund - quỹ tương hỗ lớn nhất Mỹ - cũng chỉ nắm giữ khoảng 373 tỉ USD chứng khoán.
Bình luận (0)