Trung Quốc phá vụ rửa tiền điện tử 1,7 tỉ USD

13/12/2022 07:04 GMT+7

Băng nhóm rửa tiền đã thu tiền bất hợp pháp từ các kế hoạch hình kim tự tháp trực tuyến, lừa đảo và đánh bạc, đồng thời chuyển số tiền thu được thành Tether, một loại stablecoin được chốt bằng USD.

Theo South China Morning Post, cảnh sát khu vực Nội Mông phía bắc Trung Quốc đã bắt giữ 63 người vì rửa 12 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỉ USD) giá trị tiền điện tử. Trường hợp mới nhất này nêu bật bản chất "mờ đục" của thị trường tiền điện tử Trung Quốc, dù chính phủ đã chính thức ra lệnh cấm giao dịch.

Cảnh sát khu vực Nội Mông phía bắc Trung Quốc đã bắt giữ 63 người vì rửa 12 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỉ USD) giá trị tiền điện tử

chụp màn hình

Bắt đầu từ tháng 5.2021, băng nhóm tiền điện tử nêu trên đã thu tiền bất hợp pháp từ kế hoạch hình kim tự tháp, gian lận và đánh bạc trực tuyến, đồng thời chuyển số tiền thu được thành Tether, một loại tiền ổn định được chốt bằng USD. Tội phạm đã phân phối tiền trên nhiều tài khoản tiền điện tử ẩn danh trước khi giao dịch thành nhân dân tệ.

Trung Quốc từng là thị trường đầu tư tiền điện tử lớn nhất thế giới trước khi chính quyền Bắc Kinh ra lệnh cấm giao dịch tiền điện tử. Hiện nước này vẫn có một cộng đồng hoạt động ngầm với quy mô lớn, dù họ có rất ít sự bảo vệ theo quy định hoặc pháp lý. Hồ sơ tòa án từ trường hợp sàn giao dịch tiền điện tử FTX bị sập tiết lộ, khoảng 8% khách hàng của họ đến từ Trung Quốc.

Trong trường hợp rửa tiền ở Nội Mông, cảnh sát cáo buộc nhóm tội phạm đã dùng Telegram, ứng dụng nhắn tin mã hóa bị chặn ở Trung Quốc, để liên lạc và thuê người thiết lập tài khoản tiền điện tử. Mỗi người tham gia nhận được một khoản hoa hồng dựa trên số lượng giao dịch tiền điện tử mà họ đã xử lý. Cảnh sát đã thu giữ khoản lợi nhuận lên tới khoảng 130 triệu nhân dân tệ từ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.

Sự xuất hiện của tiền điện tử trong các vụ rửa tiền khiến các cơ quan chức năng khó theo dõi hơn. “Giao dịch tiền điện tử thông qua các tài khoản ẩn danh giống việc thiết lập một rào cản vật lý để dòng tiền và người nhận không thể bị theo dõi bằng các phương pháp truyền thống”, trích tuyên bố từ Cục Cảnh sát thành phố Thông Liêu tại khu tự trị Nội Mông vào cuối tuần qua.

Hơn 200 cảnh sát đã được giao thực hiện vụ án. Một cảnh sát giấu tên cho biết họ cũng làm việc với các sàn giao dịch tiền điện tử ở nước ngoài và truy tìm hồ sơ chuỗi khối tiền điện tử như một phần của cuộc điều tra. Cảnh sát đã lần theo dấu vết hai nghi phạm đến Bangkok, Thái Lan, và dẫn độ sang Trung Quốc. Cục Cảnh sát Thông Liêu đã được cảnh báo vào tháng 7.2022, khi một tài khoản ngân hàng địa phương gửi hơn 10 triệu nhân dân tệ tiền mặt mỗi tháng, dẫn đến việc điều tra về “tội phạm nghi ngờ rửa tiền”.

Đây không phải là trường hợp rửa tiền lớn đầu tiên liên quan đến tiền điện tử ở Trung Quốc. Tháng 9.2022, cảnh sát ở Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, đã bắt giữ một nhóm gồm 93 người liên quan đến kế hoạch rửa tiền tương tự, với giá trị lên đến 40 tỉ nhân dân tệ. Tháng 3.2022, cảnh sát Thượng Hải phá vỡ một kế hoạch kim tự tháp trực tuyến liên quan đến tiền điện tử trị giá hơn 100 triệu nhân dân tệ.

Bất chấp lệnh cấm giao dịch và khai thác tiền điện tử của chính phủ, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 220 tỉ USD trong tổng số giao dịch tiền điện tử từ tháng 6.2021 đến tháng 7.2022, đứng đầu Đông Á và xếp thứ tư toàn thế giới, theo công ty nghiên cứu chuỗi khối Chainalysis. Nhà đầu tư ở đại lục thường dùng những công cụ như mạng riêng ảo để kết nối với các sàn giao dịch nước ngoài và đăng ký công ty ở nước ngoài để che giấu danh tính.

Tuy nhiên, khi chính phủ trên khắp thế giới tăng cường thực thi hoạt động giám sát tội phạm liên quan đến tiền điện tử, tình trạng sử dụng bất hợp pháp các mã thông báo ảo đã giảm. Theo Chainalysis, trong bảy tháng đầu năm nay, doanh thu toàn cầu từ các vụ lừa đảo tiền điện tử giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.