Đây là thông điệp được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đưa ra tại cuộc họp báo chiều qua 14.4.
Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Trả lời câu hỏi về thông tin Trung Quốc đã triển khai 16 máy bay chiến đấu J-11 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Lê Hải Bình tái khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Việc Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu tới khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình và sự ổn định của khu vực", ông Lê Hải Bình nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh việc Việt Nam mạnh mẽ phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự. “Là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là nước có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần hành động trách nhiệm và xây dựng theo hướng duy trì hòa bình, ổn định của khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, ông Lê Hải Bình nói.
Trước đó, tờ Stars and Stripes dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết việc Trung Quốc triển khai một số lượng lớn chiến đấu cơ như thế là “chưa từng thấy”, mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh thực hiện hành động phi pháp này. Theo quan chức Mỹ, việc triển khai ồ ạt chiến đấu cơ đến Phú Lâm đã đi ngược lại cam kết “không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Mỹ hồi năm ngoái.
Một vụ bắn thử tên lửa diệt hạm của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng - Ảnh: mạng Weibo
|
Mỹ tuần tra chung với Philippines
Các thông tin về việc Trung Quốc đưa chiến đấu cơ đến Hoàng Sa xuất hiện vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đang có chuyến thăm Philippines. Theo AFP, phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại thủ đô Manila hôm qua 14.4, chủ nhân Lầu Năm Góc tuyên bố các binh sĩ Mỹ sẽ được luân chuyển thường xuyên đến Philippines, đồng thời tiết lộ hai nước đã bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông. Ông Carter nói các sáng kiến trên là bằng chứng cho thấy hai nước đang tăng cường hợp tác về an ninh trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về những hành động của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp.
Theo Lầu Năm Góc, Mỹ và Philippines đã tiến hành 2 cuộc tuần tra chung vào tháng 3 và đầu tháng 4, hoạt động này sẽ được duy trì thường xuyên trong tương lai. Ông Carter cho biết một phi đội máy bay quân sự Mỹ và 200 quân nhân thuộc các lực lượng Mỹ đóng tại Thái Bình Dương sẽ đồn trú tại căn cứ không quân Clark từ nay đến cuối tháng này. Việc luân chuyển thêm máy bay sẽ được quyết định “thông qua trao đổi ý kiến với đồng minh Philippines”. Phi đội ban đầu bao gồm 5 máy bay cường kích A-10C Thunderbolt II, 3 trực thăng HH-60G Pave Hawk và 1 máy bay phục vụ các chiến dịch đặc biệt MC-130H.
Bên cạnh đó, 75 binh sĩ Mỹ, chủ yếu là lính thủy đánh bộ, sẽ ở lại Philippines “trên cơ sở luân chuyển thường xuyên” sau khi cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) giữa hai nước kết thúc ngày 15.4. Họ sẽ được bố trí tại căn cứ Aguinaldo gần Manila để làm nhiệm vụ “hỗ trợ các chiến dịch tăng cường trong khu vực”. Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ đã quay trở lại Biển Đông để tuần tra, theo Navy Times.
Bình luận (0)