Tờ The South China Morning Post ngày 26.11 dẫn lời giáo sư Cung Vấn Lâm tại Viện khoa học Trung Quốc ở Thượng Hải cho hay ông đang tham gia nhóm nghiên cứu chế tạo thiết bị do thám sử dụng công nghệ hình ảnh bóng ma lượng tử gắn trên vệ tinh.
Đây là thiết bị sử dụng công nghệ mang tính đột phá có thể thay đổi cách thức phát hiện thiết bị tàng hình của đối phương với độ chính xác cao trong thập niên tới.
Phiên bản thử nghiệm dự kiến sẽ xuất hiện vào năm 2020 và các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng sẽ làm chủ công nghệ này trước năm 2025.
Công nghệ hình ảnh bóng ma lượng tử có thể đạt độ nhạy chưa từng có với khả năng phát hiện một lượng ánh sáng rất nhỏ phản chiếu từ mục tiêu mờ. Đồng thời, công nghệ này phát hiện sự tương tác của mục tiêu với ánh sáng từ môi trường xung quanh để ghi nhận thông tin.
Theo các chuyên gia, công nghệ này có khả năng soi rõ mục tiêu tàng hình như oanh tạc cơ B-2 Spirit của Mỹ. Oanh tạc cơ chiến lược B-2 Spirit của tập đoàn Northdrop Grumman (Mỹ) hiện là mẫu máy bay ném bom duy nhất trên thế giới có khả năng tàng hình và giáng đòn tấn công quy mô lớn vào đối phương.
B-2 thường cất cánh vào ban đêm để tránh ống kính camera từ vệ tinh do thám. Phần thân chiếc B-2 được phủ chất liệu đặc biệt, tránh phản xạ tín hiệu và công nghệ chống tỏa nhiệt để tránh cảm biến hồng ngoại của đối phương. Mẫu oanh tạc cơ B-21 đang được phát triển của Mỹ được cho là vẫn sử dụng công nghệ tương tự.
Tuy nhiên, công nghệ mới mà Trung Quốc đang phát triển được cho là có thể vô hiệu hóa các kỹ thuật ngụy trang hiện nay, từ bom khói để che xe tăng và binh sĩ trên chiến trường cho đến các thiết bị vô hiệu hóa sóng radar trên máy bay tàng hình.
Bình luận (0)