Trung Quốc phụ thuộc vào chip nước ngoài trong nhiều năm nữa

15/06/2018 11:46 GMT+7

Cuộc khủng hoảng vừa qua của ZTE đã nêu bật lỗ hổng của Trung Quốc trong nỗ lực trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu, đó là nước này vẫn thiếu các chip máy tính tự chế.

Theo CNN, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt ưu tiên xây dựng ngành công nghiệp chip nội địa lên hàng đầu. Ông Tập gần đây nêu rõ tầm quan trọng của việc gắn bó với ngành công nghiệp bán dẫn và so sánh chip máy tính với trái tim con người.
“Cho dù người đó to lớn đến mức nào, nhưng họ sẽ không bao giờ mạnh mẽ nếu không có một trái tim mạnh mẽ”, ông Tập nói trong chuyến thăm một nhà máy bán dẫn ở miền trung Trung Quốc hồi tháng 4.2018.
Hiện tại Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào chip của các công ty nước ngoài, loại công nghệ cốt lõi trong mọi thứ từ điện thoại thông minh đến ô tô. Để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chip cạnh tranh rất tốn kém, nhạy cảm về mặt chính trị thì cần phải có thời gian. Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào một số người chơi trong nước trong vài năm qua. Các hãng công nghệ lớn của nước này cũng đã cố gắng đấu thầu mạnh mẽ để mua được công ty chip nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều nỗ lực mua cổ phần tại các công ty Mỹ đã thất bại sau khi bị các nhà chức trách Mỹ phản đổi vì lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Lo lắng về sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài và việc tăng giá chip nhớ, chính quyền Bắc Kinh hồi đầu tháng này đã điều tra ba nhà sản xuất chip nhớ lớn, bao gồm Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc và Micron của Mỹ.
Chip nhớ của Trung Quốc dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019, nhưng theo đánh giá của giới phân tích chúng sẽ thua kém so với chip của các nhà cung cấp nước ngoài.
Avril Wu, giám đốc nghiên cứu cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, cho rằng chip Trung Quốc có thể sẽ chỉ bán được cho các công ty trong nước vốn luôn sẵn sàng mua vì chúng có giá rẻ hơn so với chip nước ngoài.
Ngay cả khi tăng cường sản xuất, Trung Quốc vẫn sẽ phải dựa vào các nhà cung cấp nước ngoài trong nhiều năm tới. International Business Strategies dự đoán, chip nước ngoài sẽ chiếm khoảng 60% chất bán dẫn được sử dụng ở Trung Quốc đến năm 2027.
Theo bà Wu, chip Trung Quốc cũng có khả năng sẽ gặp khó khăn ở các thị trường nước ngoài vì nhiều ý kiến lo ngại rằng các công ty Trung Quốc có thể đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Sẽ an toàn hơn khi các loại chip Trung Quốc được bán trong nước”, bà Wu nói.
Sở hữu trí tuệ là trung tâm trong tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington cho rằng quốc gia châu Á đang đánh cắp công nghệ Mỹ hoặc buộc các công ty Mỹ phải bàn giao công nghệ nếu muốn kinh doanh tại đó. Và điều này là nguyên nhân thúc đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 3.2018 công bố thuế quan đánh vào 50 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc.
“Mỹ cảm thấy Trung Quốc đang sử dụng những cách thức không công bằng để có được bí mật công nghệ từ Mỹ và những nước khác”, Louis Kuijs, người đứng đầu về nghiên cứu kinh tế châu Á tại công ty nghiên cứu Oxford Economics, viết.
Theo nhận định của giới phân tích, việc điều tra các nhà sản xuất chip nhớ của Hàn Quốc và Mỹ có thể là cách để Bắc Kinh gây áp lực, buộc các công ty này phải chia sẻ tài sản trí tuệ. Chính quyền Trung Quốc đã từ chối bình luận về cuộc điều tra.
Trong một động thái khác, Arm, nhà thiết kế chip Anh thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ viễn thông Nhật Bản Softbank, đã đồng ý bán 51% cổ phần với giá 775 triệu USD cho một nhóm các nhà đầu tư do Trung Quốc dẫn đầu, theo báo cáo của Financial Times Wall Street Journal.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.