Trung Quốc sẽ tiến hành chương trình mạnh tay nhất trong 2 thập niên, sa thải từ 5-6 triệu công nhân viên nhà nước trong vòng 2-3 năm tới để giải quyết trình trạng sản xuất dư thừa.
Công nhân tại một công ty đóng tàu quốc doanh ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Để tránh các bất ổn xã hội do chương trình sa thải ồ ạt kể trên, chính quyền Trung Quốc sẽ chi ít nhất 150 tỉ nhân dân tệ (23 tỉ USD) song song với việc sa thải. Số tiền trên chỉ là tính riêng trong ngành than và thép, theo thông tin từ 2 nguồn giấu tên "đáng tin cậy" của Reuters.
Số lượng công nhân viên nhà nước bị sa thải sẽ còn tăng cao khi việc cắt giảm lao động dự kiến sẽ lan rộng ra các ngành công nghiệp khác. Số tiền "giải quyết hậu quả" dự kiến cũng sẽ tăng cao, trong đó có việc xử lý nợ nần của các công ty "ma" thuộc khối nhà nước. Đó là những công ty đã chấm dứt một phần hoạt động nhưng vẫn tiếp tục trả lương cho nhân viên trước lo ngại của các chính quyền địa phương về viễn cảnh bất ổn xã hội do tình trạng thất nghiệp gây ra.
Đóng cửa "công ty ma" là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc trong năm nay. Hồi tháng 12.2015, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết sẽ đưa các công ty này "lên bàn mổ".
Hãng tin Reuters dẫn số liệu thống kê cho thấy các công ty nhà nước tuyển dụng đến 37 triệu người trong năm 2013. Nhưng cũng chính những công ty nhà nước này, nhìn chung hoạt động rất kém hiệu quả, đã để lại những khoản nợ xấu đồ sộ, theo Reuters ngày 1.3.
Bình luận (0)