(TNO) Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa tàu thăm dò Hằng Nga 4 lên vùng tối của mặt trăng. Đây là khu vực chưa được khám phá và còn nhiều bí ẩn với con người.
Tàu thăm dò Hằng Nga 3 của Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Kế hoạch này được ông Ngô Vĩ Nhân, kỹ sư trưởng chương trình khám phá mặt trăng của Trung Quốc tiết lộ. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên thực hiện được điều này, CNN đưa tin ngày 21.5.
Các nhà khoa học Trung Quốc đang thào luận để chọn vị trí đáp xuống mặt trăng. Nơi đó có thể sẽ khó khăn hơn, các nước đi trước đã chọn vị trí đáp ở vùng sáng và Trung Quốc có thể sẽ chọn vùng tối mặt trăng, China Daily dẫn lời ông Ngô Vĩ Nhân.
Hằng Nga-4 dự kiến sẽ được phóng vào năm 2020. Tàu thăm dò sẽ trải qua 3 giai đoạn chính, gồm tiếp cận quỹ đạo mặt trăng, hạ cánh và quay trở về, theo China Daily.
Vùng tối mặt trăng vẫn là nơi còn nhiều bí ẩn đối với con người - Ảnh: AFP
|
Vào năm 1959, tàu thăm dò Luna của Liên Xô đã lần đầu tiên chụp ảnh vùng tối mặt trăng.
Năm 1968, các phi hành gia trong sứ mệnh Apollo 8 của Mỹ là những người đầu tiên mục kích khu vực này. Kể từ đó đến nay, nhiều tàu thăm dò khác đã chụp ảnh vùng tối và gần đây nhất là phi thuyền Lunar Reconnaissance Orbiter của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Mặt trăng mà chúng ta thường thấy thật ra chỉ là một nửa, một nửa còn lại là vùng tối nằm ở phía bên kia và đối với con người nơi đó vẫn còn bí ẩn. Phần lớn diện tích bề mặt vùng tối là South Pole-Aitken, hố thiên thạch lớn nhất hệ mặt trời với đường kính khoảng 2.500 km.
Tháng 10.2007, Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò vũ trụ đầu tiên Hằng Nga-1 ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam nước này. Tàu đáp xuống bề mặt mặt trăng vào tháng 3.2009. Tàu Hằng Nga-2 tiếp tục được phóng vào năm 2010 và Hằng Nga-3 là năm 2013.
Bình luận (0)