Trung Quốc sẽ tiếp tục 'Zero Covid' bao lâu nữa?

La Vi
La Vi
02/02/2022 07:30 GMT+7

Trung Quốc đang tăng cường chiến lược " Zero Covid ", cho rằng sự lây lan của biến thể Omicron có khả năng nhẹ hơn và không có lý do gì để hạ thấp cảnh giác.

"Zero Covid", tức chiến lược triệt tiêu Covid-19 của Trung Quốc trái ngược với chiến lược chống dịch đa số các nước khác trên thế giới. Nước này áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt nhất thế giới như phong tỏa chặt, cách ly khi di chuyển và xét nghiệm hàng loạt.

Tuy nhiên, biến thể Omicron đã xuất hiện ở Trung Quốc, đe dọa mọi nỗ lực của chính quyển. Vậy liệu Bắc Kinh có tiếp tục cam kết chiến lược Covid-19 của mình?

Người dân Bắc Kinh xếp hàng xét nghiệm Covid-19

reuters

"Chiến lược của Trung Quốc hiện nay hoàn toàn trái ngược với chiến lược của hầu hết các quốc gia khác", phóng viên Reuters tại Thượng Hải David Stanway nhận định.

Ở phương Tây, các biện pháp hạn chế để chống Covid-19 gây rất nhiều tranh cãi. Nhưng người dân Trung Quốc tỏ ra khá thoải mái, mặc dù bị áp dụng chính sách nghiêm ngặt nhất thế giới.

Ông Stanway cho rằng Bắc Kinh không còn gọi tên chính sách này là "triệt tiêu Covid" nữa.

"Giờ họ gọi đó là truy quét tích cực, có nghĩa là giải quyết mọi ổ dịch ngay khi nó bùng phát. Họ bắt tay vào xét nghiệm hàng loạt và ngăn chặn mọi chuỗi lây nhiễm mà họ truy ra để loại bỏ mối đe dọa", ông Stanway cho biết.

Chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Yanzhong Huang cho biết mặc dù Trung Quốc đã làm rất tốt trong việc hạn chế sự lây lan, nhưng nỗ lực rất lớn vừa qua có thể khiến nước này dễ bị ảnh hưởng do các đợt dịch mới với Omicron.

"Nước này đang là nạn nhân của chính thành công của họ vì một số lượng lớn người dân không có khả năng miễn dịch chống lại Covid-19, vì vắc xin kém hiệu quả và vì thiếu sự tiếp xúc với virus trước đó. Vì vậy, điều đó làm cho dân số, thực sự là hầu hết các dân số, dễ bị tổn thương bởi Omicron", ông Yanzhong Huang nói.

Trung Quốc cũng là một trong những nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất thế giới. Khi khâu vận chuyển và sản xuất bị đình trệ, các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị gián đoạn.

Các nhà chuyên gia phân tích rằng những tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống khoảng 4-5%, chậm hơn nhiều so với mức trung bình trong vài thập niên qua.

"Điều này gây khó khăn cho nền kinh tế và một nền kinh tế suy giảm sẽ tạo ra những áp lực chính trị khiến họ sớm muộn cũng phải nới lỏng những hạn chế này", ông Stanway cho biết.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước đã kêu gọi Trung Quốc "xem lại" chiến lược "Zero Covid" của mình và cho rằng đây là "gánh nặng" đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.

Trung Quốc bảo vệ lập trường của mình và thay vào đó chỉ trích phương Tây vì "vô trách nhiệm" khi đã không áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Thông điệp không thay đổi:

Trung Quốc dường như vẫn cam kết thực hiện "Zero Covid". Đặc biệt là trong bối cảnh Đại hội toàn quốc Đảng Công sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa thu tới.

Vậy chiến lược sẽ thay đổi ra sao?

"Tôi hy vọng sau Thế vận hội Mùa đông, họ sẽ linh hoạt hơn trong ứng phó với đại dịch", ông Huang cho hay.

Ông Huang nói rằng điều đó có nghĩa là cung cấp nhiều vắc xin hơn để tăng khả năng miễn dịch, đồng thời rút ngắn thời gian cách ly và ít phong tỏa hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.