Trung Quốc sửa luật, cho lực lượng hải cảnh tập trận, chiến đấu chung với quân đội

Khánh An
Khánh An
21/06/2020 10:29 GMT+7

Luật sửa đổi cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể cùng quân đội huấn luyện, tập trận và thậm chí tham gia các chiến dịch chung nếu xảy ra chiến tranh.

Tờ Nikkei Asian Review ngày 21.6 đưa tin Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sự phối hợp giữa lực lượng hải cảnh và quân đội khi cho phép 2 bên tập trận chung và tham gia các chiến dịch cùng nhau nếu xảy ra chiến tranh.
Nội dung trên được đề cập trong dự thảo đề xuất sửa đổi luật liên quan đến lực lượng cảnh sát vũ trang, được thông qua bởi Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (quốc hội) Trung Quốc vào ngày 20.6.
Đây là lần đầu tiên luật này được sửa đổi trong 11 năm qua. Theo Nikkei Asian Review, thông qua sự phối hợp giữa 2 lực lượng này, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn xây dựng mạng lưới phòng vệ liên lạc có thể xử lý mọi vấn đề từ tuần tra biển cho đến các chiến dịch quân sự.
Theo đó, mục tiêu là nhằm mở rộng năng lực quân sự trong khu vực, nhất là về hàng hải.
Luật sửa đổi đưa Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân về dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo, nghĩa là quy tụ lại dưới 5 chiến khu, trong bối cảnh chiến tranh.
Lực lượng hải cảnh là một bộ phận của Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân nên cũng áp dụng theo luật mới. Do đó, luật cho phép quân đội và hải cảnh tham gia cùng nhau nếu giới lãnh đạo quyết định rằng tình huống chiến tranh xảy ra ở biển Hoa Đông hay Biển Đông.
Hải cảnh cũng sẽ có thể tham gia vào các chiến dịch quân sự. Ngay cả khi bình thường, hải cảnh cũng có thể tham gia huấn luyện, diễn tập và cứu hộ khẩn cấp với quân đội.
Hải cảnh được sáp nhập về quân cảnh dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương vào tháng 7.2018, nhưng đây là lần đầu tiên hệ thống và sự vận hành được quy định trong luật.
Luật cũng nêu rõ rằng “việc bảo vệ lợi ích ở biển và thực thi pháp luật” là sứ mệnh của Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân. Với nhân số ước tính khoảng 600.000-700.000, lực lượng này chủ yếu xử lý các vấn đề trên bờ như giữ gìn an ninh và bảo vệ những cơ sở hạ tầng trọng yếu. Trong khi đó, Trung Quốc có thể tăng số nhân sự của lực lượng an ninh biển.
Hồi tháng 12, các thay đổi về pháp lý này chưa được đề cập trong kế hoạch của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Giới quan sát cho rằng việc bà Thái Anh Văn tái đắc cử hồi tháng 1 có thể đã khiến việc sửa đổi nhanh chóng được đưa vào chương trình nghị sự. Bà Thái tăng cường chỉ trích Bắc Kinh và có các động thái củng cố mối quan hệ với Washington.
Những thay đổi trong luật cũng được đưa ra trong bối cảnh các tàu hải cảnh của Trung Quốc nhiều lần xâm phạm các vùng biển tranh chấp như khu vực gần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật, xuất hiện trong 68 ngày liên tiếp tính đến 20.6.
Theo Nikkei Asian Review, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật được phép mang vũ khí và tìm kiếm dưới một số điều kiện, nhưng sự xâm phạm bởi các tàu hải cảnh Trung Quốc với nhiều vũ khí là mối đe dọa nghiêm trọng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.