Trung Quốc tăng cường sức mạnh đổ bộ tấn công ở Biển Đông

01/05/2021 07:20 GMT+7

Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh đổ bộ tấn công lên mức độ mới ở Biển Đông khi triển khai tàu đổ bộ tấn công hoạt động cùng tàu sân bay ở vùng biển này.

Như Thanh Niên đã đưa tin, Trung Quốc gần đây điều động tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam đến Biển Đông.

Bản sao mô hình của Mỹ

Trong đó, tàu Hải Nam thuộc loại Type 075 có độ choán nước 40.000 tấn, dài khoảng 237 m và có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 hoặc Z-9. Theo kế hoạch, Bắc Kinh đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình J-31 phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho tàu Type 075, giúp chiến hạm này trở thành tàu sân bay tương tự Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 cho tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp. Khi đó, năng lực tổ chức tác chiến của tàu Type 075 sẽ tăng lên mức độ mới.
Cũng tại Biển Đông, hồi đầu tháng 4, Mỹ đã điều động cùng lúc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island tiến hành các hoạt động phối hợp tác chiến viễn chinh. Trong đó, USS Makin Island là tàu đổ bộ tấn công thuộc lớp Wasp, dài khoảng 250 m và có độ choán nước khoảng 40.000 tấn, được trang bị mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35B.
Chính vì thế, việc Trung Quốc điều động tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam đến Biển Đông lần này có thể xem là một bản sao về mô hình phối hợp tấn công của Mỹ. Cuối năm 2020, Trung Quốc thông báo loạt tập trận trên Biển Đông kéo dài từ cuối tháng 12.2020 đến đầu tháng 1.2021. Tham gia loạt tập trận này có cả tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ Type-075, nhưng không rõ là 2 tàu này có tham gia cùng 1 cuộc tập trận hay không.

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc

CCTV

Thực tế, tàu sân bay Sơn Đông vẫn cần thêm thời gian để đạt được khả năng thực chiến và tổ chức tác chiến toàn diện theo hình thức nhóm tác chiến tàu sân bay. Còn chiến đấu cơ J-31 vẫn trong quá trình hoàn thiện và chưa rõ thời điểm hoàn thiện phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng của dòng chiến đấu cơ này.
Cho nên, Trung Quốc trong ngắn hạn chưa thể triển khai tàu đổ bộ tấn công Type 075 hoạt động như các loại tàu đổ bộ tấn công thuộc lớp Wasp và America của Mỹ. Tàu Type 075 trước mắt chỉ có thể mang theo máy bay trực thăng tác chiến đa nhiệm, tàu đệm khí đổ bộ cùng nhiều loại khí tài hạng nặng để phục vụ đổ bộ.

Tăng cường đổ bộ không - biển

Gần đây, Bắc Kinh đang ra sức tăng cường năng lực đổ bộ khi bổ sung thêm nhiều tàu vận tải đổ bộ Type 071 có độ choán nước khoảng 20.000 tấn.
Mỗi chiếc Type 071 có thể chở theo từ 600 - 800 binh sĩ cùng 4 tàu đệm khí đổ bộ Type 726 và một số máy bay trực thăng. Trong đó, mỗi tàu đệm khí đổ bộ Type 726 có thể chở theo hàng chục binh sĩ cùng 1 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 2 xe bọc thép đổ bộ ZBD-05. Đến nay, Trung Quốc đã biên chế 6 chiếc Type 071 và thường xuyên điều động các tàu này hoạt động ở Biển Đông. Điển hình, ngày 25.11.2020, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc vừa triển khai 3 tàu đổ bộ loại Type 071 là Ngũ Chỉ Sơn (987), Côn Lôn Sơn (998) và Trường Bạch Sơn (989) cùng một số tàu tên lửa lớp Type 022 tham gia 2 cuộc tập trận ở Biển Đông.
Trung Quốc tăng cường sức mạnh đổ bộ tấn công ở Biển Đông1

Các tàu đổ bộ Ngũ Chỉ Sơn (987), Côn Lôn Sơn (998) và Trường Bạch Sơn (989) tập trận ở Biển Đông vào tháng 11.2020

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn phát triển năng lực đổ bộ các thực thể trên biển bằng đường không. Cụ thể, nước này đang đẩy nhanh việc hoàn thiện và biên chế dòng thủy phi cơ AG600, đã được thử nghiệm thực tế trên biển vào giữa năm ngoái. Đây là dòng thủy phi cơ lớn nhất thế giới có khả năng chở theo khoảng 30 binh sĩ cùng vũ khí, tầm bay hơn 4.000 km và tốc độ hành trình khoảng 500 km/giờ. Dự kiến năm 2022, dòng máy bay này được đưa vào sử dụng.

Vào tháng 7.2020, tờ Hoàn Cầu thời báo thông tin rằng với việc trang bị thủy phi cơ AG600, quân đội Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận các đảo ở Biển Đông để bảo vệ cái mà nước này tự gọi là “lợi ích cốt lõi”. Theo đó, khi được triển khai ở căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam, máy bay AG600 cho phép Trung Quốc có thể nhanh chóng chuyển quân đến bất cứ đảo, thực thể nào trên Biển Đông. AG600 có thể đáp trên mặt nước để các binh sĩ có thể đổ bộ từ biển.

Thủy phi cơ AG600 sắp được bay thử nghiệm trên biển

Alert5

Chính vì thế, khi phối hợp các loại tàu đổ bộ Type 075 và Type 071 với thủy phi cơ AG600, Trung Quốc có thể hình thành năng lực đổ bộ cả bằng đường không lẫn đường biển ở khu vực Biển Đông. Khi đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ có thêm nhiều động thái phô diễn sức mạnh quân sự để đe dọa các nước khác trong khu vực.

Trung Quốc biên chế 3 tàu chiến mới, tự ca ngợi 'dẫn đầu thế giới'

Bắc Kinh tăng quyền cho cơ quan an toàn hàng hải
Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc ngày 29.4 thông qua dự thảo sửa đổi luật An toàn giao thông hàng hải và luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.9, theo Tân Hoa xã. Luật sửa đổi sẽ trao quyền cho Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), vốn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, ra lệnh tàu nước ngoài rời khỏi vùng biển nước này tuyên bố là lãnh hải nếu đánh giá tàu đó có thể đe dọa an ninh. Luật còn cho phép MSA ngăn chặn các tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải nếu các tàu không thuộc diện qua lại vô hại theo luật quốc tế, theo Kyodo News. 
Minh Trung
Trung Quốc lại tập trận dồn dập ở Biển Đông
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 29.4 công bố đoạn video trên Twitter với chú thích hàng chục chiến đấu cơ và máy bay ném bom tiến hành cuộc tập trận tác chiến ở Biển Đông. Trong cuộc tập trận, các chiến đấu cơ cất/hạ cánh ở nhiều sân bay, tiến hành những cuộc tấn công và phòng thủ, với sự phối hợp của hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS) cũng như binh sĩ trên bộ điều khiển ra đa và hỏa lực phòng không. CCTV chỉ nói cuộc tập trận diễn ra trong thời gian gần đây, không nói rõ thời gian cũng như địa điểm.
Kyodo News ngày 29.4 dẫn một số nguồn thạo tin tiết lộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây ra lệnh quân đội tăng cường tập trận chiếm đảo ở các vùng biển lân cận. Cùng ngày 29.4. Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc) thông báo tập trận sẽ diễn ra ở vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam từ ngày 29.4 - 1.5. Ngoài ra, Cục Hải sự Quảng Đông hôm qua thông báo tập trận sẽ diễn ra ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc, tức vịnh Bắc bộ, từ ngày 1 - 31.5. 
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.