Dưới áp lực hạn chế xuất khẩu công nghệ cao từ Mỹ và các nước phương Tây, Trung Quốc đang tăng cường chi tiêu để thay thế công nghệ do phương Tây sản xuất bằng sản phẩm cây nhà lá vườn. Trong đó, nước này chi mạnh thay thế thiết bị máy tính và thiết bị trong lĩnh vực viễn thông. Sắp tới là trong lĩnh vực tài chính.
Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc bắt đầu thay thế công nghệ trong nước kể từ năm ngoái. Số lượng đấu thầu từ các doanh nghiệp nhà nước, chính phủ và quân đội để quốc hữu hóa thiết bị công nghệ đã tăng gấp đôi trong 12 tháng kể từ tháng 9 năm 2022.
Theo công ty nghiên cứu công nghệ thông tin First New Voice, Trung Quốc đã chi 1.400 tỉ nhân dân tệ, tương đương 191 tỉ USD, để thay thế phần cứng và phần mềm nước ngoài trong năm 2022.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc Bắc Kinh thiếu khả năng sản xuất chip tiên tiến đã ngăn cản nước này thay thế hoàn toàn công nghệ nước ngoài.
Chuyên gia tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh ngày càng lo ngại về việc thiết bị của phương Tây bị các thế lực nước ngoài tấn công. Trong năm qua, các nhà nghiên cứu cũng kêu gọi Bắc Kinh tăng cường phòng thủ chống xâm nhập trong cơ sở hạ tầng tài chính, do tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chip của Qualcomm từ Mỹ, cũng như hệ điều hành iOS và Android.
Trong bối cảnh đó, tập đoàn Huawei nổi lên như một công ty hàng đầu cung cấp các giải pháp thay thế công nghệ phương Tây. Năm 2022, mảng doanh nghiệp của Huawei, bao gồm các hoạt động phần mềm và điện toán đám mây, ghi nhận doanh thu 133 tỉ nhân dân tệ, tăng 30% so với năm 2021.
Bình luận (0)