Trung Quốc tăng nhanh sản lượng thanh long, có đáng lo?

04/03/2023 15:10 GMT+7

Trung Quốc vừa công bố số liệu sản lượng thanh long nước này đã đạt 1,6 triệu tấn/năm, vượt qua sản lượng của Việt Nam và dẫn đầu thế giới. Liệu điều này có ảnh hưởng đến sản xuất trong nước?

Trung Quốc tăng nhanh sản lượng thanh long, có đáng lo? - Ảnh 1.

90% sản lượng thanh long Việt Nam được xuất khẩu

ĐINH ĐANG

Theo thống kê, thanh long hiện được trồng chủ yếu ở Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Vân Nam, Hải Nam (Trung Quốc). Trong đó hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông có diện tích trồng lớn nhất, khoảng 70% của toàn Trung Quốc.

Sản lượng thanh long ở Quảng Tây từ năm 2017 đến nay tăng từ 105.000 tấn tới mức 560.000 tấn, cao nhất Trung Quốc, chiếm 30% tổng sản lượng của nước này. Tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), với lợi thế khí hậu nóng ẩm, nắng nhiều, có ưu thế về trồng hoa quả trái vụ. Năm 2022, diện tích thanh long tỉnh này là khoảng 110.800 mẫu.

Vài năm qua, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng gấp 10 lần, trong đó năm 2021 lần đầu đạt mức 1 triệu mẫu (gần 67.000 ha). Sản lượng thanh long Trung Quốc ước đạt 1,6 triệu tấn, vượt qua sản lượng thanh long Việt Nam là 1,4 triệu tấn và dẫn đầu thế giới.

Giới khoa học Trung Quốc cho rằng, thành tích "số một thế giới" về sản lượng thanh long có được nhờ diện tích tăng mạnh, sử dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao. Từ năm 2016 đến 2020, năng suất thanh long Trung Quốc tăng từ 1,24 tấn/mẫu lên mức 1,54 tấn/mẫu (một mẫu Trung Quốc tương đương 667m2).

Trong khi đó, nhu cầu người dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn thanh long. Như vậy sản lượng tự sản xuất của Trung Quốc đã gần đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nước này.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Việc Trung Quốc gia tăng sản lượng thanh long thì chúng tôi đã nắm và thông báo từ khá sớm. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ ở nhiều khía cạnh thì theo tôi cũng không quá lo lắng về việc này. Thứ nhất, sản xuất thanh long phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trong khi Trung Quốc luôn gặp nhiều thiên tai như lũ lụt, hạn hán, giá rét… Thứ hai, sản lượng thanh long nội địa của Trung Quốc chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ thanh long dùng để ăn, còn hàng nhập khẩu từ Việt Nam đa số dùng vào việc trưng bày, thờ cúng… Điều này được minh chứng rất rõ khi nhu cầu và giá bán thanh long thường tăng lên rất cao vào dịp cuối năm, trước Tết Nguyên đán và hầu hết đều được yêu cầu sử dụng thuốc để vuốt tai cho đẹp. Thứ ba, dân số Trung Quốc gia tăng nhanh nhưng lực lượng lao động nông nghiệp lại giảm sút khiến cho chi phí sản xuất khá cao. Thanh long Việt Nam vẫn có giá rẻ hơn và hoàn toàn cạnh tranh được. Hiện nay sản lượng xoài, chuối tự sản xuất của Trung Quốc cũng xếp hàng đầu thế giới, nhưng họ vẫn nhập khẩu rất nhiều từ Việt Nam, Campuchia, Philippines".

Bà Nguyễn Thùy Thuận - Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM) cũng cho biết thị trường tiêu thụ thanh long vẫn còn dư địa khá lớn, nhất là khu vực các tỉnh phía bắc Trung Quốc. Hiện nay khách hàng vẫn đang nhập khẩu bình thường, giá có giảm hơn một chút so với trước tết nhưng chỉ cần không xảy ra trường hợp đóng biên, siết hàng hóa nhập khẩu để chống dịch thì thanh long vẫn được tiêu thụ tốt".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.