Truyền thông Trung Quốc mới đây cho hay quá trình đóng tàu sân bay thứ hai của nước này sắp hoàn tất trong năm nay. Tuy là tàu sân bay thứ hai song đây là phương tiện quân sự đầu tiên thuộc loại này do Bắc Kinh tự chế tạo.
Tờ South China Morning Post ngày 2.2 dẫn nguồn tin từ Xiake Dao, một tài khoản mạng xã hội liên kết với phiên bản quốc tế của tờ Nhân Dân nhật báo, cho biết việc triển khai tàu gần Biển Đông không chỉ tăng cường năng lực quân sự mà còn nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó của Trung Quốc với mọi “tình huống phức tạp”.
Củng cố khả năng “thị uy”
Bài báo cho biết thông tin về căn cứ tàu sân bay thứ hai của Bắc Kinh được cung cấp dựa theo “các nguồn tin hiện có”, tuy nhiên vị trí chính xác không được tiết lộ. Sau khi hoàn thiện, tàu sân bay mới có thể được gọi là Sơn Đông theo tên của tỉnh thuộc miền đông Trung Quốc, hoặc cũng có thể thay đổi theo yêu cầu của Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương.
Trước đó, một kênh truyền hình ở tỉnh Sơn Đông đưa tin tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc đã thành hình sau 2 năm 9 tháng thi công, nhưng không tiết lộ thời điểm hoàn thành cũng như các thông tin liên quan. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin truyền thông khác ở Trung Quốc tiết lộ tàu Sơn Đông dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2017 và chính thức gia nhập hải quân năm 2019.
Tờ Today đưa tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đó cho biết tàu sân bay mới đang được đóng tại thành phố Đại Liên, đông bắc nước này, ở cùng nhà máy đã nâng cấp tàu Liêu Ninh. Tàu sẽ vận hành bằng năng lượng thông thường với độ choán nước 50.000 tấn, và có đường băng kiểu nhảy cầu - những đặc tính tương tự tàu Liêu Ninh.
Theo trang tin Ifeng thuộc Đài truyền hình Phượng Hoàng ở Hồng Kông, tàu Sơn Đông sẽ nhẹ hơn chút ít so với tàu Liêu Ninh nhưng có nhiều không gian hơn để chứa chiến đấu cơ. Cũng theo Ifeng, các phi công lái chiến đấu cơ J-15 cùng phi hành đoàn đang được huấn luyện trên tàu Liêu Ninh và sẽ dễ dàng chuyển sang hoạt động trên tàu sân bay mới.
tin liên quan
Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc đã ‘nên hình nên dạng’Truyền thông Trung Quốc ngày 31.1 đưa tin tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc đang “nên hình nên dạng” sau hai năm và chín tháng đóng tàu.
|
Đua theo công nghệ Mỹ
Sự ra đời tàu Sơn Đông đánh dấu bước tiến tiếp theo của chương trình tàu sân bay Trung Quốc. Theo Defense News, thông tin về chiến hạm mới xuất hiện sau khi Chính ủy của tàu Liêu Ninh, đại tá Lý Đông Hữu, hồi tháng 11.2016 tuyên bố tàu Liêu Ninh đã sẵn sàng để tham gia trực chiến. Ngay sau tuyên bố này, tàu Liêu Ninh đã thực hiện một hành trình huấn luyện bao gồm chuyến ghé thăm căn cứ của hải quân Trung Quốc gần thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Một loạt tàu khu trục và tàu hộ tống đã tháp tùng tàu Liêu Ninh, vốn chở theo hơn chục chiến đấu cơ J-15, các máy bay trực thăng Harbin Z-9 và Changhe Z-18.
Hãng PTI dẫn nguồn tin truyền thông Trung Quốc cho hay nước này cũng đang trong quá trình chế tạo tàu sân bay thứ ba. Những hình ảnh phát tán gần đây trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết tàu sân bay thứ ba của nước này có thể sử dụng hệ thống hỗ trợ máy bay cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng cáp hãm (CATOBAR), thay cho hệ thống cất cánh cự ly ngắn và dùng cáp hãm đà khi hạ cánh (STOBAR) vốn hạn chế rất nhiều khả năng tác chiến.
Trang Defense News dẫn lời các chuyên gia phân tích nhận định Trung Quốc cũng đang nghiên cứu một hệ thống phóng phi cơ điện từ (EMALS) tương tự hệ thống của Mỹ để thực hiện tham vọng chế tạo những chiếc tàu sân bay lớn hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, dù tiến độ đóng mới tàu sân bay Sơn Đông diễn ra khá nhanh nhưng các chuyên gia cho rằng Trung Quốc phải mất nhiều thập niên nữa mới có thể cho ra đời các siêu tàu sân bay tương tự như Mỹ. Theo chuyên san The National Interest, các nhà máy đóng tàu Trung Quốc cần phải vượt qua nhiều trở ngại trước khi đạt đến trình độ công nghệ Mỹ.
Bình luận (0)