Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 17.1 đăng bài cho thấy Morocco trong tháng này trở thành quốc gia đầu tiên ở Bắc Phi ký kết kế hoạch thực hiện sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc. Ngoại trưởng Morocco Nasser Bourita nhấn mạnh BRI sẽ mở ra các triển vọng mới cho thương mại và đầu tư, cũng như các cơ hội phù hợp cho “Mô hình phát triển mới” của quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận liên quan việc tài trợ tài chính cho các dự án lớn thuộc BRI.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang chặt chẽ hơn trong việc cấp vốn cho các dự án lớn ở châu Phi |
AFP |
Nghiêm ngặt hơn
Morocco nằm trong số hơn 50 quốc gia châu Phi đã ký kết với Trung Quốc về kế hoạch thực hiện BRI hoặc biên bản ghi nhớ, theo SCMP. Trong quá khứ, việc gia nhập BRI mang lại cho các nước tham gia triển vọng cao về nguồn hỗ trợ tài chính phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng lớn từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Tuy nhiên, những ngân hàng này giờ đây yêu cầu các nghiên cứu về tính khả thi giữa nguy cơ vỡ nợ ở châu Phi.
GS Benjamin Barton tại chi nhánh của Đại học Nottingham (Anh) ở Malaysia nhận định, với tình trạng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm và cách tiếp cận ngày càng mang tính hướng nội từ Bắc Kinh, thời kỳ mà các dự án và việc chi tiêu không được xem xét kỹ đã tạm thời dừng lại. Việc cấp vốn cho các dự án sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn và bị tác động bởi các yếu tố chính trị, xã hội, môi trường và tài chính, hơn là chỉ đồng ý các dự án để tăng con số, theo ông Barton.
Tương tự, giảng viên Lauren Johnston tại Đại học Adelaide (Úc) đồng ý quan điểm rằng Trung Quốc có sự thay đổi về đầu tư ở các nước tham gia BRI. Bà Johnston chỉ ra trong quá khứ, các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc liên quan những dự án cơ sở hạ tầng lớn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, nhưng giờ đây tập trung vào các giá trị như thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng việc làm.
Bước phát triển chính trị ?
Bên cạnh đó, nhà phân tích nghiên cứu tín dụng Mark Bohlund thuộc công ty REDD Intelligence (Mỹ) chỉ ra tại Diễn đàn Hợp tác Trung - Phi ở thủ đô Dakar (Senega) hồi tháng 11.2021, Trung Quốc đã phát tín hiệu rằng nước này sẽ tiếp tục hướng các cam kết tài chính chính thức của mình với châu Phi sang việc tài trợ thương mại và hỗ trợ đầu tư dựa trên bình đẳng liên quan Trung Quốc hơn là cung cấp những khoản vay lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng. Những bổ sung mới này có thể được xem là bước phát triển về chính trị, theo ông Bohlund. “Đối với Bắc Kinh, động lực chính là gắn chặt về mặt chính trị với các nước tham gia BRI và gia tăng sự ủng hộ trong các diễn đàn như Đại hội đồng LHQ”, ông Bohlund nhận định.
Tổng thống Uganda: người Trung Quốc quyết liệt "gõ cửa" vì cơ hội đầu tư |
Trung Quốc cho rằng khoảng 150 quốc gia được tính là một phần của BRI, với phần lớn trong số đó đã ký các biên bản ghi nhớ sau khi tham gia, theo báo Newsweek ngày 12.1. Tuy nhiên, hãng tin ANI hồi tháng trước đưa tin Diễn đàn quốc tế về các quyền và an ninh ở Canada đã ghi nhận tình trạng phản đối các dự án thuộc BRI ở nhiều nước.
Ông Kanyi Lui, luật sư về tài chính quốc tế tại công ty luật Pinsent Masons ở Bắc Kinh, cũng nhận định Trung Quốc không còn chú trọng hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi. “Không giống việc hỗ trợ vốn cho các dự án xây dựng quy mô lớn, những hoạt động tài trợ thương mại này có khuynh hướng liên quan các mối quan hệ lâu dài và gia tăng kết nối, trao đổi giữa quốc gia nhận và Trung Quốc”, ông Lui nhận định, theo SCMP.
Bình luận (0)