Theo Tân Hoa xã, 18 vệ tinh liên lạc cất cánh trên tên lửa đẩy Trường Chinh 6A từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), đã đi vào quỹ đạo đúng như kế hoạch.
Dự án Chòm sao Thiên Phàm hay còn được gọi là Chòm sao G60 nhằm hiện thực hóa việc thiết lập chùm internet vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO) toàn cầu của Trung Quốc, cạnh tranh với các mạng khác như Starlink của SpaceX (Mỹ) và OneWeb của Eutelsat (Pháp).
Dự án Thiên Phàm do Công ty công nghệ vệ tinh Nguyên Tín Thượng Hải chủ trì với 3 giai đoạn phát triển. Theo đó, công ty đặt mục tiêu có 648 vệ tinh trên quỹ đạo để cung cấp vùng phủ sóng mạng toàn khu vực vào cuối năm 2025 và mở rộng trên toàn thế giới vào năm 2027. Đến năm 2030, công ty kỳ vọng sẽ vận hành hơn 14.000 vệ tinh để cung cấp mạng lưới tích hợp đa dịch vụ trực tiếp cho các thiết bị di động.
Vệ tinh LEO hoạt động ở độ cao từ 160 đến 2.000 km so với trái đất, giúp giảm độ trễ truyền dẫn và giảm thiểu tổn thất liên kết so với vệ tinh địa tĩnh. Do đó, chúng rất phù hợp cho các dịch vụ internet vệ tinh. Ngoài ra, vệ tinh LEO cũng có thể cung cấp dịch vụ liên lạc nhanh hơn so với cáp ngầm và mang tầm quan trọng chiến lược do ít điểm mù cũng như tiết kiệm chi phí ở những vùng xa xôi.
Bên cạnh dự án Thiên Phàm, các dự án quy mô lớn khác của Trung Quốc đang được lên kế hoạch, bao gồm chùm 12.992 vệ tinh của China Satellite Network, chùm 10.000 vệ tinh của Lanjian Aerospace.
Theo Hoàn Cầu thời báo, việc thành lập chòm sao Thiên Phàm dự kiến sẽ đẩy nhanh sự phát triển ở các thị trường như đổi mới di động, xe tự động, phòng ngừa và giảm thiểu thiên tai, từ đó mang lại cơ hội phát triển đáng kể cho ngành công nghiệp internet vệ tinh.
Song, do không gian trên quỹ đạo có hạn nên cuộc chạy đua toàn cầu giành tài nguyên vệ tinh LEO ngày càng trở nên khốc liệt. SpaceX dự định phóng 42.000 vệ tinh vào năm 2027, còn Trung Quốc đã thông báo với Liên minh Viễn thông quốc tế về kế hoạch triển khai 51.300 vệ tinh.
Với sự khởi đầu sớm, Mỹ hiện đang dẫn đầu đáng kể về số lượng vệ tinh trên quỹ đạo. Ông Zhang Rui, thành viên Hiệp hội nghiên cứu thị trường Trung Quốc đánh giá: "Tương lai của internet vệ tinh có thể sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Nga. Đây là những nền kinh tế lớn duy nhất có năng lực tích hợp trong sản xuất vệ tinh, phóng, thiết bị mặt đất và dịch vụ vận hành".
Bình luận (0)