Theo tờ Nhân Dân nhật báo hôm qua, một người được gọi là Trương Hoa (tên giả, nhằm bảo vệ danh tính) sống tại thành phố Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc đã nhận được khoản tiền thưởng 50.000 nhân dân tệ (khoảng 171 triệu đồng) từ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật thành ủy sau khi giúp phát giác một vụ tham nhũng. Trước đó, ông Trương gửi thư tố giác ông Đường Tuấn, một quan chức địa phương, nhận hối lộ và gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Từ thông tin này và sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Trương, chính quyền mở cuộc điều tra và kết quả cho thấy ông Đường đã tư lợi hàng triệu nhân dân tệ.
tin liên quan
EU cảnh báo tình trạng bán quốc tịch cho người giàu, quan chức nước ngoàiSố tiền ông Trương được nhận là khoản thưởng lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Quảng Đông trao cho những người giúp cung cấp thông tin về tham nhũng hoặc tố giác hành vi sai trái của chính quyền. Bên cạnh đó, chính quyền Phật Sơn chủ động áp dụng một loạt biện pháp đảm bảo sự an toàn của người tố giác như giữ bí mật thông tin và trừng phạt nặng những ai rò rỉ danh tính nguồn tin. Nhờ đó, theo Hoàn Cầu thời báo, trong 6 tháng đầu năm nay, nhà chức trách đã nhận được 1.903 đơn tố giác, trong đó có 526 nguồn tin cung cấp danh tính thật và hỗ trợ quá trình điều tra. Với kết quả này, Phật Sơn đã được trung ương chọn làm điển hình tuyên dương và đẩy mạnh tuyên truyền trên báo chí về hiệu quả trong chống tham nhũng.
Mặt khác, nhằm tăng hiệu quả chiến dịch chống tham nhũng phát động từ năm 2012, Trung Quốc lập “siêu cơ quan” chống tham nhũng với tên gọi Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC). Theo tờ South China Morning Post, ủy ban này có vị thế cao hơn cả tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với chức năng quản lý bao trùm các cơ quan chống tham nhũng của chính phủ, cơ quan kiểm sát lẫn Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI). Trong khi CCDI chỉ có thẩm quyền với đảng viên thì NSC sẽ có thẩm quyền với mọi cơ quan nhà nước. Song song đó, chính phủ Trung Quốc đã mở trang web mới nhằm khuyến khích người dân cung cấp thông tin về 50 nghi phạm tham nhũng hàng đầu đã trốn ra nước ngoài. Tại đường dẫn www.12388.gov.cn/ztzz, người dân có thể cung cấp thông tin về quốc gia, địa phương, thậm chí địa chỉ nơi các nghi phạm ẩn náu, bằng tiếng Anh lẫn tiếng Hoa.Reuters dẫn thông báo của CCDI công bố thông tin về nơi 50 nghi phạm nói trên có thể đang lẩn trốn, ảnh chân dung, đặc điểm nhận dạng cũng như chi tiết các cáo buộc. Trong đó, phần lớn bị cho là đã đào tẩu sang Mỹ, Canada hoặc New Zealand và 21 người đã lẩn trốn hơn 1 thập niên. Hầu hết đều bị cáo buộc tham nhũng, ăn hối lộ hoặc biển thủ. Cũng theo CCDI, tính đến cuối tháng 4.2018, giới chức nước này đã bắt được 4.141 đối tượng đào tẩu sang hơn 90 nước và vùng lãnh thổ, đồng thời thu hồi gần 10 tỉ nhân dân tệ (hơn 34.000 tỉ đồng).
Gần 37.000 quan chức bị xử lý
Trung Quốc đã kỷ luật 36.618 quan chức trong nửa đầu năm 2018 do vi phạm các quy định về điều lệ Đảng, trong đó có cả quan chức cấp bộ, Tân Hoa xã dẫn số liệu thống kê của CCDI cho hay. Những vi phạm phổ biến nhất là nhận các khoản tiền hoa hồng trái phép, nhận quà và lạm dụng xe công. Mới đây nhất, ông Ngô Kiến Dung, người đứng đầu Cảng vụ hàng không Thượng Hải, đã bị CCDI điều tra về những cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Đây là cụm từ thường dùng để chỉ hành vi tham nhũng, theo tờ South China Morning Post.
|
Bình luận (0)