Một mỏ đất hiếm tại Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc |
CHỤp màn Hình Nikkei ASIA |
Cùng với chính quyền thành phố Cám Châu thuộc tỉnh Giang Tây, khu vực nổi tiếng với nhiều quặng đất hiếm, hai công nhà nước Trung Quốc gồm Công ty thương mại khoáng vật và kim loại China Minmetals Corporation (CMC) và Công ty Nhôm Trung Quốc “đang lên kế hoạch tiến hành việc tái cấu trúc mang tính chiến lược đối với các công ty đất hiếm tương ứng của họ”, theo Nikkei Asia hôm nay 24.10 dẫn thông báo từ một công ty con của CMC.
Thông báo không nói rõ công ty nào thuộc chính quyền thành phố Cám Châu sẽ tham gia việc tái cấu trúc nói trên. Trong khi đó, theo Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), việc tái cấu trúc có thể liên quan Công ty Đất hiếm Nam Trung Quốc, có trụ sở ở Cám Châu.
Trong cuộc họp báo mới đây, một đại diện của Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc cho hay chính quyền sẽ “xúc tiến việc tái cấu trúc về đất hiếm để tạo ra một công ty đẳng cấp quốc tế”.
Chiến tranh thương mại căng thẳng, Mỹ lo ngại Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm |
Cũng theo Nikkei Asia, bằng cách tái cấu trúc 3 công ty đất hiếm lớn, chính phủ Trung Quốc muốn mở rộng việc kiểm soát từ sản xuất đến toàn bộ chuỗi cung ứng liên quan, trong đó có xuất khẩu. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể kéo dài và Mỹ đang tìm cách tạo ra chuỗi cung ứng đất hiếm khác, bằng cách hợp tác với Úc.
Trung Quốc hiện chiếm 60% sản lượng đất hiếm của thế giới, theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ. Những điểm đến xuất khẩu hàng đầu là Nhật Bản (49% theo giá trị), và kế đến là Mỹ (15%), theo Nikkei Asia dẫn lại thông tin từ báo chí Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lâu nay xem đất hiếm là một phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2019, ông từng tuyên bố rằng “đất hiếm là một nguồn chiến lược quan trọng”, theo Nikkei Asia.
Bình luận (0)