(TNO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 22.8 đã “vỗ về” Mông Cổ với tuyên bố Bắc Kinh tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia láng giềng.
|
Ông Tập đã sang thăm Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ, để cùng nước chủ nhà ký kết một số thỏa thuận thương mại và đưa ra cam kết tăng gấp đôi giá trị giao thương lên 10 tỉ USD tới năm 2020, theo AFP.
“Trung Quốc tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Mông Cổ”, ông Tập phát biểu với quốc hội Mông Cổ. Đây cũng là chuyến thăm Mông Cổ đầu tiên của một lãnh đạo nhà nước Trung Quốc trong hơn một thập niên qua.
Chủ tịch Trung Quốc còn nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách này “mãi mãi”, đồng thời chào đón quốc gia láng giềng “đi trên con tàu phát triển của Trung Quốc”.
Kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng vọt từ 324 triệu USD trong năm 2002 lên 6 tỉ USD trong năm 2013. Gần phân nửa số công ty nước ngoài đăng ký hoạt động tại Mông Cổ là Trung Quốc, theo AFP.
Tuy nhiên, trong năm 2012, Mông Cổ đã siết lại các quy định đối với những công ty nước ngoài muốn kinh doanh trong các lĩnh vực “chiến lược” tại nước này, chẳng hạn như khoáng sản, một động thái được cho là nhằm vào Trung Quốc, theo AFP.
AFP dẫn lời Sumati Luvsandendev, Giám đốc Quỹ Sant Maral, một tổ chức nghiên cứu và khảo sát phi lợi nhuận tại Mông Cổ, cho biết Ulan Bator có truyền thống “nghi ngờ” sự có mặt của Trung Quốc trong nền kinh tế nước này.
Nhưng tầng lớp trung lưu Mông Cổ nhận thấy nước mình cần nguồn tài trợ từ cường quốc láng giềng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
“Vấn đề là chúng tôi có hạn chế lớn về nguồn nhân lực và chất xám, nên khi tiến hành các dự án lớn, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”, ông Luvsandendev nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố với quốc hội Mông Cổ rằng ông cảm thấy hài lòng khi đã có gần 30 thương vụ được ký kết nhân chuyến thăm nước láng giềng.
Bắc Kinh cũng đã cho phép Mông Cổ sử dụng các cảng biển phía bắc, theo Tân Hoa xã.
Hoàng Uy
>> Thủy sản VN quan trọng đối với Mông Cổ
>> Mông Cổ hoan nghênh Việt Nam đầu tư khai thác mỏ
>> Tướng Mông Cổ bị “vịn” vì một vụ mua bán với Triều Tiên
>> Nhật tìm sự ủng hộ về Senkaku/Điếu Ngư ở... Mông Cổ
Bình luận (0)