Dàn khoan dầu khí Hải dương 981 sẽ được sử dụng để khoan tại giếng Lưu Hoa 6-1-1 có độ sâu 1.500 mét và được thiết kế khoan ở độ sâu 2.371 mét, theo thông báo trên website của Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc hôm 28.4. Quá trình khoan dự kiến sẽ mất 56 ngày.
Giàn khoan Hải dương 981, được chế tạo trong 6 năm với kinh phí 935 triệu USD, đã được lai dắt đến phía đông biển Đông vào ngày 21.2 và khoan thử tại giếng Lưu Hoa 29-2-1 ở độ sâu 753,3 mét, theo cơ quan này.
Thuộc sở hữu Tập đoàn dầu khí hải ngoại quốc gia Trung Quốc (CNOOC), giàn khoan này có chiều cao 136 mét và nặng 30.000 tấn, là “siêu giàn khoan” đầu tiên do Trung Quốc sản xuất có thể hoạt động ở vùng biển có độ sâu 3.000 mét và khoan tới độ sâu 10.000 mét.
Động thái của Trung Quốc được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề chủ quyền tại biển Đông.
Theo truyền thông Philippines và Nhật, Bắc Kinh đã điều ít nhất 14 chiếc tàu đến bãi cạn Scarborough tại biển Đông, nơi xảy ra cuộc đối đầu với Philippines; trong khi hai tàu ngư chính đã xuất hiện tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật.
Sơn Duân
>> Philippines tố Trung Quốc “ức hiếp” trên biển
>> Nhật Bản sẽ hiện diện quân sự ở Philippines
>> Vụ bãi cạn Scarborough: Philippines nhờ chuyên gia luật nước ngoài
>> Đấu khẩu Mỹ - Trung về biển Đông
>> Ngờ vực về giàn khoan “khủng” của Trung Quốc
Bình luận (0)