Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã huy động 2 chiến đấu cơ J-11 và máy bay tuần tra Y-8 đến vùng biển có tàu khu trục USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ đang tuần tra ở Biển Đông. Bắc Kinh còn tăng cường thêm 3 tàu khu trục, trong đó có một tàu mang tên lửa dẫn đường, nhằm "đe dọa và xua đuổi tàu Mỹ", theo Tân Hoa xã hôm 10.5.
Ông Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng việc xâm nhập bất hợp pháp của các tàu chiến Mỹ vào vùng biển của Trung Quốc (?) là "sự khiêu khích nghiêm trọng".
"Chúng tôi không thể hình dung và tự hỏi phía Mỹ sẽ đi xa đến đâu trong việc quân sự hóa Biển Đông, phá hoại hòa bình và ổn định (của khu vực)", ông Dương nói trong một thông cáo báo chí. Ông này còn cáo buộc việc tuần tra khẳng định ý định thực sự của Mỹ là muốn khuấy động Biển Đông nhằm mục đích trục lợi từ khu vực này.
“Nó càng khẳng định rằng việc triển khai các cơ sở phòng thủ trên các đảo của Trung Quốc là hợp lý và cần thiết”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc bào chữa. Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, triển khai hệ thống tên lửa và radar ở khu vực này.
Từ đó, ông Dương cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh cho lực lượng tuần tra hải quân và không quân nhằm củng cố khả năng phòng thủ, bảo vệ “chủ quyền quốc gia (?), an ninh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
|
Các hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa các đảo này của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ bị các nước trong khu vực mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật, Úc và Liên minh châu Âu, quan ngại và phản đối.
Việc tuần tra của tàu chiến Mỹ hôm 10.5, lần thứ 3 trong 7 tháng qua, đến đá Chữ Thập - bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng - cũng nhằm thể hiện sự phản đối của Washington đối với đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh và hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chưa có ghi nhận về vụ đụng độ nào giữa tàu khu trục USS William P. Lawrence với đội tàu chiến và máy bay của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tránh né câu hỏi của các nhà báo rằng có phải Mỹ muốn gửi một thông điệp nào đó trước chuyến công du châu Á của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama vào hạ tuần tháng 5.2016 hay không.
"Đây không phải là một chiến lược có tính toán để làm bất cứ điều gì ngoại trừ duy trì quyền tự do hàng hải", ông nói với các phóng viên tại London, theo Reuters.
Bình luận (0)