(TNO) Ngày 16.5, Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện sự bất đồng sâu sắc về các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trò chuyện với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau khi cùng tham dự cuộc họp báo chung tại Bắc Kinh vào ngày 16.5 - Ảnh: Reuters |
Sau cuộc họp kín tại Bắc Kinh, cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đều nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, nhưng không bên nào tỏ ra nhượng bộ khi đề cập đến hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Bắc Kinh tại Biển Đông, theo AP.
“Chúng tôi quan ngại về tốc độ và quy mô của hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông”, ông Kerry phát biểu tại cuộc họp báo chung với ông Vương tại Bắc Kinh.
“Và thông qua Ngoại trưởng Vương Nghị, tôi đã thúc giục Trung Quốc có hành động chung tay với mọi người để cùng giảm căng thẳng và tăng cường triển vọng cho các giải pháp ngoại giao”, Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.
“Tôi nghĩ, chúng tôi đã thống nhất rằng các nước trong khu vực đang cần đường lối ngoại giao khôn ngoan nhằm đi đến việc ký kết bộ quy tắc ứng xử ASEAN-Trung Quốc, chứ không phải tạo ra các tiền đồn và đường băng quân sự”, ông Kerry tiếp lời.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc đáp lại rằng mặc dù đã sẵn sàng ngồi lại đàm phán, nhưng nước này sẽ không ngừng việc xây dựng tại Biển Đông, mà theo lời ông Vương là “điều xảy ra hoàn toàn bên trong lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc”.
“Sự quyết tâm trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi vững chắc như một tảng đá vậy và không gì có thể xoay chuyển điều này”, Ngoại trưởng Vương tuyên bố.
“Quan điểm của chúng tôi luôn luôn là cần phải tìm ra các giải pháp hợp lý cho các vấn đề thông qua các vòng đàm phán và thương thuyết mà chúng tôi đã tiến hành với các bên có liên quan trực tiếp bằng các biện pháp hòa bình và ngoại giao, dựa trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và quy tắc quốc tế. Quan điểm này sẽ không thay đổi trong tương lai”, ông Vương nói.
Ông Vương còn nói thêm rằng bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể được giải quyết “miễn là chúng ta có thể tránh các hiểu lầm và điều quan trọng hơn cả là tránh các tính toán sai lầm”.
Trong cuộc gặp gỡ, dù tỏ ra lịch sự, nhưng hai bên đều tỏ rõ sự không nhượng bộ về quan điểm của mình khi đề cập đến hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông - Ảnh: Reuters |
Bất chấp bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, ngoại trưởng hai nước vẫn tuyên bố, hai bên đang có tiến triển trong các lĩnh vực khác. Đặc biệt là các vấn đề biến đổi khí hậu, chống chủ nghĩa cực đoan và công tác chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế Chiến lược Mỹ-Trung vào tháng 6 tới, cũng như chuẩn bị cho chuyến thăm Washington của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 9.
Cả ông Kerry lẫn ông Vương đều bày tỏ sự hài lòng về sự hợp tác giữa hai nước trong các vòng đàm phán về hạt nhân với Iran, sự cứng rắn trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân tại CHDCND Triều Tiên và trong cuộc chiến chống dịch bệnh, chẳng hạn như Ebola.
Theo dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ sẽ kết thúc chuyến thăm Trung Quốc để sang Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 17.5.
Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông
Ngày 8.5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước một số phát biểu của phía Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã mở rộng, bồi đắp lấn biển quy mô lớn tại các đảo, đá mà theo phía Trung Quốc, Việt Nam “chiếm giữ” ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN. Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); không có thêm các hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông.” Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc gần đây, Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc có công hàm gửi Phái đoàn thường trực các nước tại Liên hợp quốc, trong đó khẳng định “chủ quyền và các yêu sách liên quan” của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi ở Biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Đây là những quan điểm sai trái và không có bất kỳ cơ sở pháp lý, lịch sử cũng như thực tế nào. Ngày 30.4, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có công hàm gửi phái đoàn thường trực tất cả các nước tại Liên hợp quốc bác bỏ những quan điểm đó của phía Trung Quốc”. TTXVN
|
Bình luận (0)