Mối đe dọa
Trong bài viết do báo Defense News đăng mới đây, cựu phi công quân sự Mỹ Scott Trail, hiên là kỹ sư nghiên cứu của Viện nghiên cứu Công nghệ Georgia, cho rằng những mưu đồ mang tính bành trướng của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Đây là hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ở quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng phi pháp một cảng và đường băng trên đảo Phú Lâm, nơi có trên 1.000 binh sĩ Trung Quốc đóng trú phi pháp, theo ông Trail. Còn ở Trường Sa, Trung Quốc cũng đã xây dựng phi pháp 3 đường băng trên đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập.
Ông Trail nhận định Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của cơ sở hậu cần ở tây Thái Bình Dương, và việc mở rộng ở Biển Đông và biển Hoa Đông là nằm trong mưu đồ gia tăng lợi thế hậu cần của nước này ở khu vực. Hai vùng biển này cung cấp thực phẩm để nuôi người Trung Quốc, dầu khí cho máy móc của họ và kiểm soát khoảng 20% thương mại toàn cầu.
|
Nếu tình trạng Trung Quốc mở rộng hiện diện ở Biển Đông vẫn không bị ngăn chặn, Trung Quốc có thể tận dụng ảnh hưởng vượt xa biên giới của nước này, làm suy yếu luật biển quốc tế, theo ông Trail.
Ông trích dẫn một nghiên cứu năm 2020 của tổ chức nghiên cứu Rand (Mỹ) cho rằng “một khi (Biển Đông) bị [các lực lượng Trung Quốc) chiếm đóng, Trung Quốc sẽ có thể tận dụng ảnh hưởng cách xa hàng ngàn km về phía nam và gia tăng sức mạnh ở đại dương (Thái Bình Dương)”. Tình trạng này sẽ đe dọa không chỉ đối tác và đồng minh của Mỹ mà còn các tuyến đường biển quan trọng không có tranh chấp.
Phần trọng tâm đối với mối đe dọa này là chiến lược phong tỏa - chống tiếp cận (A2/AD) mà Trung Quốc đang xây dựng để đẩy quân lực của Mỹ hoặc các nước ngoài khu vực ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất, trải dài từ đảo Kyushu của Nhật Bản tới Đài Loan và Philippines. Lâu nay, Bắc Kinh luôn cho rằng Mỹ dùng “chuỗi đảo thứ nhất” để kiềm chế Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.
Thách thức
Để có thể vô hiệu hóa chiến lược A2/AD với nhiều hệ thống cảm biến và tên lửa, quân đội Mỹ trước tiên được cho là phải phân tán các lực lượng và khí tài đến nhiều nơi. Hỗ trợ một lực lượng di động và tách ra ở Biển Đông đòi hỏi có đội vận tải ứng phó nhanh và đội vận tải trực thăng hạng nặng. Không may là quân đội Mỹ đã phớt lờ phát triển đội vận tải biển trong nhiều thập niên để đầu tư cho tàu sân bay và tàu ngầm, theo ông Trail.
Những chiến hạm này tiếp tục mang lại cho Mỹ lợi thế quân sự mang tính chiến lược, nhưng không thể hoạt động mà không có thực phẩm cho thủy thủ đoàn và linh kiện để sửa chữa máy bay, tàu nổi và tàu ngầm. Thiếu sự đầu tư này lâu nay dẫn tới sự suy giảm có thể đoán trước của Mỹ trong việc sẵn sàng cho một cuộc xung đột.
Ông Trail trích một bài phân tích từ tạp chí National Defense về cuộc diễn tập huy động đội vận tải biển cho thấy chỉ có 64% số tàu sẵn sàng cho nhiệm vụ này và chỉ có 40% số tàu được chuẩn bị để thực hiện các hoạt động ở mức được kỳ vọng. “Đây là một vấn đề lớn vì các khả năng vận tải biển của quân đội sẽ đóng vai trò quan trọng trong trường hợp xảy ra chiến tranh”, ông Trail nói.
Vai trò của lục quân
May mắn, theo tạp chí Forbes hồi tháng 10 đăng bài cho thấy quân đội Mỹ sẽ tiến hành nâng cao khả năng vận tải biển và đang nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ, theo ông Trail. Nhằm nâng cao khả năng này, quân đội Mỹ sẽ gia hạn thời gian phục vụ của các tàu tối tân trong Hạm đội dự trữ sẵn sàng, mua tàu thương mại nước ngoài đã qua sử dụng rồi nâng cấp, và đóng tàu tiếp tế mới.
Ngoài ra, ông Trail nhấn mạnh vai trò của lục quân Mỹ trong việc nâng cao khả năng vận tải của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. “Dù lục quân chủ yếu hoạt động trên bộ, một nghiên cứu của Rand năm 2014 về vai trò của lục quân kết luận sự hỗ trợ lực lượng hỗn hợp “có thể nằm trong những vai trò quan trọng nhất của lục quân trong một cuộc xung đột lớn với Trung Quốc”, ông Trail viết.
Trong một môi trường biển với rất ít cơ sở hạ tầng, điều đó đồng nghĩa cần mở rộng khả năng vận tải hạng nặng trên tàu. Trực thăng vận tải hạng nặng của lục quân là loại CH-47. Tuy đóng vai trò chủ lực cho hoạt động vận tải trên bộ của lục quân, CH-47 có một số bất lợi khi hoạt động trên tàu.
|
Trong khi đó, thủy quân lục chiến Mỹ đang thử nghiệm một loại trực thăng vận tải hạng nặng thế hệ mới, CH-53K và đã hoàn tất đợt thử nghiệm trên biển hồi tháng 6. CH-53K có nhiều lợi thế hơn so với CH-47 khi hoạt động ở môi trường biển. Do đó, nếu có thêm CH-53K, khả năng vận tải hạng nặng của lục quân Mỹ sẽ được nâng cao đáng kể.
Ông Trail, từng lái trực thăng CH-46 và máy bay đa nhiệm có khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng V-22 Osprey, thừa nhận việc sản xuất trực thăng và đào tạo phi hành đoàn cho lục quân thực hiện sứ mệnh vận tải trên biển sẽ mất thời gian; nhưng việc đóng, trùng tu tàu và đào tạo thủy thủ thậm chí còn mất thời gian nhiều hơn và việc phát triển cơ sở hạ tầng vững chắc cho công tác hậu cần cũng không phải dễ và nhanh chóng được.
Ông cảnh báo nếu quân đội Mỹ không giải quyết thách thức hậu cần ở Biển Đông càng sớm thì nguy cơ Trung Quốc mở rộng sự hiện diện ở khu vực càng cao. Việc mở rộng có thể dẫn tới khả năng Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát khu vực và tình trạng này sẽ gây tổn hại cho Mỹ và các đồng minh.
Bình luận (0)