(TNO) Trong 35 năm tới, thứ tự ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ. Nước Nga và Ý sẽ lọt khỏi top 10 để nhường chỗ cho Indonesia đứng thứ 4 và Mexico ở vị trí thứ 8.
Theo EIU, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050 - Ảnh: Reuters
|
Bloomberg hôm nay 23.6 dẫn nguồn báo cáo mới nhất do Economist Intelligence Unit (EIU), cơ quan nghiên cứu thuộc tờ The Economist, cho hay đến năm 2050, thứ tự ba nền kinh tế lớn nhất thế giới lần lượt là: Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Trong đó, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ từ năm 2026 trên phương diện tổng sản phẩm quốc nội tính theo giá đô la Mỹ.
Thứ tự 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050 theo dự báo của EIU là: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Đức, Brazil, Mexico, Anh và Pháp. Nền kinh tế Nga và Ý có mặt trong top 10 của năm 2014 sẽ rớt khỏi bảng xếp hạng này.
Riêng rẽ hai nước Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giàu hơn cả 5 quốc gia đứng sau đó cộng lại, gồm: Indonesia, Đức, Nhật Bản, Brazil và Anh. Theo EIU, đây là lần duy nhất trong lịch sử, top 10 nền kinh tế lớn nhất hành tinh ghi nhận quy mô của sự giàu có như trên.
Xét trên thu nhập bình quân đầu người, Đại lục được dự báo sẽ bắt kịp Nhật Bản vào năm 2050. Từ mức chỉ bằng 14% trong năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ tăng lên đến bằng một nửa so với Mỹ trong cùng năm đó.
Tổng thể, khu vực châu Á sẽ chiếm 53% GDP toàn cầu vào năm 2050 trong bối cảnh phần trăm của châu Âu giảm sút.
Song nếu nhắc đến mức độ gia tăng dân số trong độ tuổi lao động, châu Phi và vùng Trung Đông là hai khu vực đứng đầu. Phần lớn các quốc gia châu Âu và Đông Á sẽ chứng kiến sự suy giảm trong lực lượng lao động.
Nhật Bản là nước giảm mạnh nhất với 25%. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng lần lượt sụt 17% và 18%. Ở châu Âu, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Đức có lực lượng lao động giảm đến 1/5.
Bình luận (0)