Sáng 30.10, sau khi nghe tờ trình dự án luật dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và luật Đấu thầu, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án luật này.
Nêu ý kiến tại thảo luận tổ, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết việc trình dự án luật sửa đổi một số điều tại 4 luật liên quan tới quy hoạch, đầu tư là thực hiện tư duy đổi mới xây dựng pháp luật mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu tại phiên khai mạc của Quốc hội.
Ông Dũng giải thích, trước đây xây dựng pháp luật chủ yếu để quản lý, nhưng hiện nay phải vừa quản lý được nhưng vừa phải kiến tạo cho phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian, giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước. Đây là yêu cầu rất mới.
Bộ trưởng KH-ĐT cho rằng, để hiện thực yêu cầu này cần phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm" và "cơ chế xin cho".
"Chúng ta trước đây là thế, không quản được thì cấm. Nay phải bỏ. Thứ hai, chúng ta làm luật để quản lý nhưng chủ yếu theo cách xin cho, rồi quyền anh quyền tôi. Các bộ, ngành trước đây cũng hay níu kéo quyền anh quyền tôi. Quy định trong các luật chung, rồi luật chuyên ngành nhưng cuối cùng cũng tạo ra các thủ tục và các cơ chế xin - cho, để níu giữ quyền lợi", ông Dũng nhấn mạnh và cho rằng, tư duy này đang làm cản trở sự phát triển đất nước, cần khắc phục.
Cạnh đó, tư duy mới cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân cấp, phân quyền triệt để hơn, cắt giảm thủ tục hành chính triệt để hơn để ngắn gọn, giảm thời gian chi phí và không làm lỡ cơ hội của nhà đầu tư.
Trong xây dựng pháp luật, tư duy mới là luật chuyển sang quy định những vấn đề có tính chất khung, nguyên tắc. Còn những vấn đề thay đổi thường xuyên, phát sinh trong thực tiễn thì cố gắng giao cho Chính phủ để kịp thời điều chỉnh, linh hoạt trong điều hành.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, ranh giới và mối quan hệ giữa quy định khung, nguyên tắc với quy định chi tiết, hay giữa quản lý nhà nước với kiến tạo cho phát triển cần nghiên cứu thấu đáo, chặt chẽ.
"Khung, nguyên tắc, chung chung quá thì thành nghị quyết, chi tiết quá lại thành nghị định. Quản lý chặt chẽ quá thì bó cứng lại cản trở phát triển. Nhưng mở quá kiến tạo cho phát triển lại thả gà ra đuổi, phát sinh bất cập, sau này lại phải xử lý hậu quả", ông Dũng nói.
Bộ trưởng KH-ĐT dẫn ví dụ loại hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng BT, trước đây Chính phủ, Quốc hội thống nhất bỏ, giờ cho khôi phục lại nhưng phải đưa ra các quy định để quản lý được, giám sát được, không để thất thoát, đảm bảo các quyền lợi của Nhà nước. "Thả ra mà không kiểm soát được thì lại quay lại thực tế trước đây mà chính vì nó chúng ta đã phải bỏ loại hợp đồng BT này", ông Dũng lưu ý.
Nhà đầu tư không về thì sẽ mất hết
Về chính sách cụ thể đề xuất tại dự án luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã thiết kế thủ tục đặc biệt trong đầu tư để rút ngắn thời gian cho các nhà đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh thu hút.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện các nước không ngừng đổi mới, nếu ta không đổi mới, cạnh tranh thì nhà đầu tư sẽ đi mất. "Nhà nước chúng ta có rất nhiều quyền, cho ai làm, làm ở đâu, làm thế nào, ra sao. Tất tần tật đều do chúng ta. Còn nhà đầu tư chỉ có 1 quyền thôi, đấy là không làm. Mà nhà đầu tư không làm thì chả có gì xảy ra cả. Vì vậy phải hài hòa, quản lý nhà nước, nhưng cũng thu hút, khuyến khích đầu tư để nhà đầu tư mạnh dạn bỏ tiền", ông Nguyễn Chí Dũng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, khi nhà đầu tư không về thì sẽ "mất hết".
Ông dẫn chứng, ở Trung Quốc, một nhà máy ô tô hàng tỉ USD từ khi khởi công đến lúc khánh thành chỉ 11 tháng. Một trung tâm thương mại hàng triệu USD cũng chỉ mất 68 ngày. Một thành phố ở Dubai diện tích 260 ha, với 500 tòa nhà, tổng vốn đầu tư 20 tỉ USD người ta cũng chỉ làm đúng 5 năm, không sai một ngày.
"Của chúng ta chúng tôi theo dõi thì mỗi khách sạn 5 sao ở Hà Nội mất 3 năm. Hội đồng kiến trúc này kia sửa đi sửa lại. Nếu làm 500 tòa nhà thì chúng ta phải mất 1.500 năm", ông Dũng phân tích.
Ông Dũng cho biết, tại Dubai, ông vua khi duyệt nhiệm vụ thiết kế chỉ yêu cầu 2 câu: 500 tòa nhà trong thành phố không được tòa nhà nào giống tòa nhà nào và thứ hai, từ điểm này đến điểm kia không phải đường thẳng. Còn lại mọi quy định, tiêu chuẩn đều có và "người ta cứ thế mà làm".
"Khi xây dựng mô hình thành phố xong, để trên sàn nhà, ông vua đó đến duyệt toàn bộ thiết kế cho toàn bộ thành phố đúng 2 tiếng đồng hồ. Các đồng chí có tưởng tượng được không?", ông Dũng nói và cho biết Dubai chỉ làm 30 năm, nhưng bằng các nước phát triển hàng trăm năm.
"Thế giới phát triển như vũ bão, chúng ta không thể chậm trễ hơn được", Bộ trưởng KH-ĐT nói và nhấn mạnh đợt cải cách trong xây dựng pháp luật lần này hết sức mạnh mẽ, là một cuộc cách mạng lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Bình luận (0)