Phiên tòa xét xử Phó chủ tịch LĐBĐ kiêm Chủ nhiệm Trung tâm quản lý thể thao bóng đá thuộc Tổng cục Thể dục thể thao Trung Quốc Nam Dũng diễn ra từ ngày 20.12, cho thấy 12 năm biến chất của ông này.
Trụ cột mục nát
Từng là một trong những trụ cột lãnh đạo quan trọng nhất trong ngành bóng đá, có công đưa bóng đá Trung Quốc (TQ) tới World Cup 2002 tại Hàn Quốc, thế nhưng việc Nam Dũng dính tới cá độ và dàn xếp tỷ số khiến dư luận xã hội TQ phẫn nộ và chỉ trích. Tuy nhiên, quá trình thoái hóa biến chất của Nam Dũng không phải đột ngột, mà kéo dài suốt 12 năm qua.
Sinh tháng 6.1962, Nam Dũng vốn là người Diên Biên, Cát Lâm; từng tốt nghiệp loại ưu Học viện Thể thao Thẩm Dương và có tố chất lãnh đạo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từng làm Chủ tịch Hội Sinh viên trường năm 1982 và tham gia Ủy ban Thể thao quốc gia khi mới 22 tuổi. Từ đó, con đường quan lộ của Nam Dũng không ngừng thăng tiến và trở thành Phó chủ tịch LĐBĐ TQ khi mới 35 tuổi. Năm 2005, Nam Dũng đảm nhận Bí thư Đảng ủy kiêm Phó chủ nhiệm Trung tâm quản lý thể thao bóng đá thuộc Tổng cục TDTT quốc gia, rồi lên chủ nhiệm. Năm 2009, Nam Dũng vừa làm chủ nhiệm của trung tâm trên vừa giữ chức Phó chủ tịch LĐBĐ TQ. Tháng 3.2010, sự kiện Nam Dũng bị bắt để điều tra do dính líu vào những trò bẩn của ngành làm rúng động xã hội nước này.
Ngoài nhận tiền của các CLB để dàn xếp tỷ số, Nam Dũng còn ăn tiền của các đơn vị tài trợ giải, nổi bật là vụ nhận hối lộ của Tập đoàn Iphox (Anh) chuyên vận hành điện thoại trên mạng, là đơn vị tài trợ chính của giải vô địch Trung Quốc năm 2006 với số tiền lên đến 6 triệu euro. Nhưng do từ tháng 3.2007, Iphox chỉ trả 600.000 euro tiền tài trợ thông qua Công ty đại lý môi giới Ace, TAND Bắc Kinh phải chính thức khởi tố Iphox cùng Ace vào tháng 1.2009. Nam Dũng lúc đó là người đại diện pháp luật đầu tiên và cao nhất của công ty tổ chức giải (thành lập ngày 14.4.2006), trực tiếp thương thảo và ký hợp đồng trên với Iphox. Ngoài ra, Nam Dũng còn thao túng Tập đoàn quản lý quốc tế vận hành thể thao IMG, ép cho Iphox giành được quyền đại lý quảng cáo trong các cuộc thi đấu từ tay IMG, với trị giá doanh thu quảng cáo trên 60 triệu tệ/năm.
Nam Dũng cũng ăn chia trong việc sắp xếp chọn sân nhà các trận đấu quốc tế của tuyển TQ và câu kết cùng Dương Nhất Dân, Trương Kiện Cường để thao túng tỷ số các trận đấu theo đúng kế hoạch bán độ từ trước. Tổng số tiền ăn hối lộ của Nam Dũng được công bố lên tới 2 triệu tệ, chưa kể các bất động sản và chuỗi nhà hàng để rửa tiền.
Bị đồng tiền đánh gục
Khi được phóng viên báo đài TQ phỏng vấn, Nam Dũng trong bộ đồ tù nhân cúi gục đầu, lí nhí nói: “Đều là chuyện đã qua rồi. Tôi đã cố gắng hết sức để làm một người đàng hoàng, nhưng chỉ vì không cẩn thận nên... Ban đầu tôi cũng không định nhận tiền, hoặc có tâm lý lấy tiền của ai, chỉ có điều tôi không giữ được mình...”.
Nam Dũng tiết lộ cũng nghĩ tới ngày sẽ bị sa lưới. “Dù ai đi nữa, ắt cuối cùng cũng phải trả giá. Từ nhiều năm nay, trong ngành bóng đá từng tồn tại rất nhiều vấn đề, chỗ nào cũng có vấn đề. Tôi thoạt đầu cũng muốn tích cực tháo gỡ và nâng cao trình độ bóng đá TQ. Nhưng dần dần tôi nhận thấy bóng đá không phải là một vấn đề của cá nhân nào, mà là một nhân tố tổng hợp”, Nam Dũng yếu ớt chống chế. Bắt đầu từ năm 1999, Nam Dũng đã hình thành thói quen ghi chép lại tất cả các khoản ăn hối lộ. Khoản hối lộ đầu tiên mà bị cáo nhận chính là 200.000 tệ của đội Hải Sư Thẩm Dương trước khi đấu với đội Biên Diên. Nam Dũng thành thật cho biết Tổng giám đốc đội Thẩm Dương do lo sợ không giữ được hạng cho đội, đã nhờ lãnh đạo địa phương sắp xếp gặp Nam Dũng nhờ vả. “Ban đầu tôi từ chối trả lại, nhưng họ cứ đưa mãi. Mình nhận tiền thành quen, cũng không còn cảm giác ngượng ngùng hoặc căng thẳng nữa”. Kết quả lần nhận tiền đó, đội Thẩm Dương giữ được hạng sau khi thắng với tỷ số 3-0. Đây cũng là một bước quan trọng khiến Nam Dũng ngày càng lấn sâu vào con đường sa ngã.
Nam Dũng cũng thừa nhận do lợi thế chức vụ cao, trọng trách quyền hạn được giao quá lớn nên liên tục được các CLB tặng tiền và quà, để mong bị cáo tạo điều kiện giúp họ đạt nhiều lợi ích. “Cách thức của họ rất đa dạng, lúc thì đặt riêng cho tôi 1 văn phòng làm việc, lúc thì mời tôi đi ăn cơm, đưa mấy cây thuốc lá hoặc bánh trung thu, bên trong đựng toàn tiền. Vì vậy, phần lớn các món quà đều là dạng quà đặc biệt”. Bị cáo cũng thú thật mỗi lần nhận quà như vậy đều trị giá ít nhất từ vài chục ngàn tới vài trăm ngàn tệ. Tuy nhiên, Nam Dũng cũng công nhận do đã nhận quà và tiền nên không tránh khỏi việc các CLB liên tục gọi điện nhờ vả hoặc kêu than đòi quyền lợi. Để đáp ứng yêu cầu của họ, đã xảy ra những hiện tượng không công bằng. “Do tôi không giữ mình được trước sự cám dỗ của đồng tiền”, Nam Dũng thừa nhận.
Nguyễn Lệ Chi
(Theo Tân Hoa xã)
Bình luận (0)