Trung tâm y tế phát thuốc phá thai cho thai phụ

Hoàng Phương
Hoàng Phương
02/04/2018 09:00 GMT+7

Ba thai phụ trẻ đến khám tại trung tâm y tế nhưng lại được phát nhầm thuốc... phá thai, khiến một thai nhi chết trong bụng mẹ, người đã uống thì hoang mang, lo lắng!

Chuyện hy hữu này xảy ra tại Trung tâm y tế (TTYT) H.Tân Phước, Tiền Giang khiến bạn đọc bức xúc, phản ánh đến Báo Thanh Niên.
Uống nhầm thuốc làm chết thai nhi
Ngày 30.3, anh Nguyễn Văn Út E cho biết hai vợ chồng anh làm công nhân ở KCN Tân Hương. Vợ anh, chị Huỳnh Thị Cúc (32 tuổi, ngụ ấp Tân Hưng Đông, xã Tân Hòa Tây, H.Tân Phước), có thai gần 2 tháng. Anh đưa chị Cúc tới TTYT H.Tân Phước khám thì bác sĩ (BS) nói “thai yếu” nên nằm lại dưỡng thai 3 ngày. Chiều 9.3, BS cho xuất viện và kê đơn thuốc về nhà uống để dưỡng thai, trong đó có 10 hộp Misoprostol 200 mcg, mỗi hộp 2 viên. “Vợ tôi mới uống 2 viên lúc 7 giờ tối thì khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau bị ra huyết. Hoảng hồn, tôi đưa vợ trở lại TTYT huyện, lúc đó chừng 22 giờ. Nhưng các BS nói “để theo dõi”, không siêu âm, cấp cứu gì hết mà cũng không đồng ý cho chuyển viện. Quá nóng ruột nên tôi tự chở vợ xuống Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, tới nơi đã gần 2 giờ sáng hôm sau. Sau khi xem hiệu thuốc mà tôi đã kịp giật lại được 3 hộp (vì TTYT huyện thu hồi), các BS cho biết đó là thuốc phá thai! Nhưng đã quá muộn, thai nhi đã chết từ trong bụng mẹ. Sau đó vợ tôi phải nằm viện điều trị thêm 6 ngày”, anh Út E bức xúc kể.
Chiều 9.3, chị Mai Bích Ngân, 25 tuổi (ngụ xã Mỹ Phước, H.Tân Phước) được TTYT H.Tân Phước cấp thuốc về nhà uống vì chị có bảo hiểm y tế. “Nhận thuốc xong về nhà, tôi mới uống 2 viên lúc 18 giờ thì khoảng 2 tiếng đồng hồ sau bị ra huyết. Đọc hướng dẫn sử dụng không thấy ghi là an thai, dưỡng thai. Gia đình tôi chạy xuống Mỹ Tho đưa thuốc cho BS xem, lúc đó mới biết là thuốc phá thai”, chị Ngân nói.
Chị Ngân mới lấy chồng hồi đầu năm 2018 và có thai con đầu lòng. Nhờ nhập viện điều trị kịp thời nên chị đã giữ được thai. Chị Ngân cho biết thêm: “Sau khi sự cố xảy ra, trưởng khoa và ông Lê Văn Đức, Giám đốc TTYT huyện, giải thích do người cấp thuốc cấp nhầm thuốc, vì người này ở dưới xã... mới bổ sung lên”.
Misoprostol, loại thuốc được cấp cho các sản phụ để “dưỡng thai”
"Sai sót chút ít" !
BS Lê Văn Đức, Giám đốc TTYT H.Tân Phước, xác nhận ngoài 2 trường hợp nói trên còn có trường hợp thứ 3, xảy ra cùng ngày 9.3, sản phụ tên My, ở TT.Tân Phước. May mắn là chị My chưa uống thuốc, trung tâm đã kịp thời thu hồi lại nên chưa gây ra hậu quả. Theo giải thích của ông Đức thì do: “Trong quá trình lãnh thuốc, cấp thuốc có sai sót về chuyên môn chút ít, có nhầm lẫn. Cả 3 trường hợp trung tâm đều có cử người tới nhà thăm hỏi, động viên, nhận sai sót. Sau đó trung tâm có tổ chức họp chuyên môn để kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những người có liên quan, đồng thời điều chỉnh lại quy chế ra toa thuốc”.
Theo ông Đức thì sự cố là: “Do phần mềm của VNPT lắp đặt. Cụ thể là 2 tên thuốc gần giống nhau, một loại dưỡng thai và một loại “ảnh hưởng tới thai, có khả năng sẩy thai”. Nhưng phần mềm không ghi hàm lượng 100 mg và 200 mg. Do vậy khi BS kê đơn, chỉ định đúng tên thuốc và hàm lượng, nhưng trên phần mềm thì không có đầy đủ như vậy, thành ra nguyên nhân là do phần mềm. Ngoài ra tên thuốc cũng na ná nhau. Nếu người tinh ý thì phát hiện, còn người không tinh ý thì không thấy, nên bị sai sót (?!)”.
Chúng tôi hỏi lại, vậy nguyên nhân chính là do BS kê đơn hay do người cấp thuốc? Ông Đức lại vòng vo: “Do hỗn hợp. BS ghi hàm lượng đầy đủ nhưng trên phần mềm quản lý bệnh viện của VNPT lại chưa thể hiện đầy đủ giống như toa thuốc. Lỗi là tại phần mềm!”. Hỏi vì sao cùng lúc lại xảy ra liên tiếp 3 trường hợp, ông Đức nói vì hôm đó là thứ sáu, cuối tuần, chỗ quầy dược đông khách.
Một dược sĩ cho biết thuốc Misoprostol phối hợp với Omerazol, Spasma, Phosphalugel... dùng để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài ra, Misoprostol còn được dùng để chấm dứt thai kỳ (bỏ thai), khi kết hợp một phác đồ 2 viên.
Liên quan đến phần mềm quản lý bệnh viện do VNPT cài đặt, ngày 1.4 bác sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết phần mềm này được áp dụng cho toàn hệ thống các bệnh viện trong tỉnh. Tuy nhiên, do thông tin từ Bộ Y tế và Bảo hiểm y tế thay đổi liên tục, tên thuốc cũng bổ sung liên tục, do vậy “đôi khi cũng có bất cập”. Nhưng về chuyên môn, ngành y tế phải chủ động phối hợp đề xuất bổ sung kịp thời, nếu có thay đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.