Trung thu của những trẻ em trong... trại giam

21/09/2021 09:50 GMT+7

Năm nay, nhìn trẻ em đón trung thu trong các khu cách ly, tôi nhớ mùa trung thu của năm 2019 khi được mời ra trại giam Z30D Hàm Tân ( Bình Thuận ) để giao lưu tặng sách.

Trước khi diễn ra chương trình, tôi tranh thủ chạy xuống phía dưới những “khán giả đặc biệt" trong đó có những người đã không may vướng vào vòng lao lý, có đến 90% là người trẻ.
Tôi lon ton chạy xuống hàng ghế dành cho khu nữ phạm nhân, đảo mắt nhìn họ một lượt; những phận người đủ mọi thể loại tội phạm từ buôn ma túy, trộm cắp, lừa đảo, mại dâm, giang hồ... Có người vẫn còn tóc xanh, tóc đỏ và cũng có những cô gái không dám ngẩng mặt lên nhìn mọi người dù xung quanh mình toàn là người đồng cảnh.

Những trẻ em có sức sống mãnh liệt

Bất giác, tôi nhìn thấy vài nữ phạm nhân tay bồng những em bé bụ bẫm. Tôi liền chạy tới và thoáng nghĩ trong đầu chắc đây là con của các nữ quản giáo nhờ họ trông giùm mà thôi. Thế nhưng đến khi hỏi chuyện mới biết hóa ra đây là con của một vài nữ phạm nhân.
Trại giam, nơi ẩn chứa muôn vàn những phận đời nghiệt ngã nhất. Có những người phụ nữ trong quá trình phạm tội bị bắt giam và phát hiện ra mình đang mang thai. Dù họ được nhà nước cho đặc cách hưởng án treo 3 năm để chờ sinh con nhưng họ vẫn tình nguyện xin thụ án và chấp nhận sinh con trong trại giam bởi một lẽ đa số họ đều túng quẫn nợ nần, và chưa kể những ân oán giang hồ sẵn sàng lấy mạng sống của họ bất cứ lúc nào. Hoặc thậm chí họ không có lấy một người thân, họ hàng chăm sóc khi đang bầu bì ở cữ.
Theo đúng quy định từ nhà nước thì nữ phạm nhân sau khi sinh em bé xong họ sẽ được miễn lao động để dành thời gian chăm con cho tới khi chúng 3 tuổi, sẽ được đem về cho người thân nuôi dưỡng hoặc đưa vào trại trẻ mồ côi chờ đến ngày người mẹ hoàn lương ra tù, sẽ được nhận lại con.
Mà kể cũng lạ, những đứa trẻ được sinh ra trong trại giam nó khác hẳn những đứa trẻ được sinh ra ngoài đời thường ở sức sống mãnh liệt. Có những đứa mới có sáu, bảy tháng tuổi mà non cứng cáp bụ bẫm hệt như các bé tròn một tuổi. Ở trại giam Z30D cũng có hẳn một nhà trẻ nuôi tầm mười mấy đứa trẻ như vậy.

Đêm Trung thu chưa từng có ở Sài Gòn: Chú bộ đội, chị Hằng rước đèn giữa phố vắng

Bù đắp tâm hồn những trẻ em thiệt thòi

Nhân ngày 1.6  năm sau đó tôi mở thêm chiến dịch kêu gọi tài trợ để tặng quà cho các bé là con của các nữ phạm nhân. Nhà trẻ trong đó là một không gian nhỏ nhưng rất sạch sẽ dù tiện nghi vật chật vẫn còn thiếu rất nhiều.
Nhưng chắc hẳn nó sẽ là không gian an toàn nhất cho sự phát triển đầu đời của các bé, bởi ngoài tình thương của mẹ ruột ra các bé cũng được hưởng sự yêu thương chăm sóc của các cô chú quản giáo. Cũng có sữa, có tã, có áo quần mới mỗi khi tết đến. Và điều quan trọng nhất là chúng được hưởng bầu không khí trong lành nhất.
Ngoài việc đi xin sữa, tã, đồ chơi, áo quần, tôi còn xin thêm sách truyện tranh dành cho trẻ từ 0 đến 3 tuổi và dặn mẹ các bé cố gắng đọc cho con mình nghe. Hy vọng những cuốn sách sẽ có những tác động bổ ích đến tâm hồn con trẻ, để sau này lớn lên chúng sẽ không lặp lại cuộc đời của ba mẹ chúng.
Phải sinh ra trong môi trường trại giam như vậy quả thật, các bé cũng chịu một phần thiệt thòi hơn những đứa trẻ ngoài xã hội. Những ngày như 1.6 và Tết Trung thu sẽ không thể nào có được những món quà như các bé bình thường khác. Thế nên vào những ngày như vậy tôi luôn nghĩ về những đứa trẻ trong trại giam và luôn muốn được làm gì đó cho chúng. Ấy thế mà đã hai mùa trung thu trôi qua, nhưng tôi vẫn không thể nào thực hiện được tâm nguyện khi phải sống trong những tháng ngày dịch bệnh kéo dài triền miên.
Đôi khi hay tự hỏi ở cái nhà trẻ đặc biệt ấy, sẽ có bao nhiêu đứa trẻ bước vào tuổi lên 3, để rồi phải rời xa vòng tay của mẹ chúng và cũng sẽ có những đứa trẻ được sinh ra từ những nữ phạm nhân mới nhận quyết định thi hành án.
Mong sao trên hành trình làm người của chúng sẽ trở thành những công dân tử tế và giúp ích cho xã hội. Còn tôi lại tự hứa với chính mình rằng nhất định trung thu năm sau sẽ quay lại thăm các bé, sẽ mang theo nhiều quà hơn và sẽ ở chơi với các bé ấy lâu hơn. Bởi những đứa trẻ sinh ra trong trại giam vốn đã chịu nhiều thiệt thòi hơn nhiều em bé bình thường khác.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.