Phóng viên Báo Thanh Niên từng giả là người nhận thi hộ để thâm nhập vào các Facebook được lập ra với mục đích này. Việc giao dịch thi hộ tại các trang này cực kỳ nhộn nhịp và công khai. Một sinh viên đăng đề nghị nhờ thi hộ là có ngay nhiều người nhận lời. Mỗi môn thi chỉ có giá khoảng 300.000 đồng. Có muôn kiểu thi hộ, muôn kiểu đối phó với cách kiểm tra của các trường. Kéo theo đó cũng là những nơi nhận làm giả thẻ sinh viên tinh vi.
Hầu như năm nào các trường cũng bắt quả tang người thi hộ và kỷ luật sinh viên nhờ thi hộ. Trường nào cũng có tình trạng này, kể cả các trường có đầu vào cao chót vót. Thậm chí, tháng 4.2014, trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT phải gửi công văn đến các trường yêu cầu chấn chỉnh.
Thi hộ là một biểu hiện tiêu cực trong học tập nhưng lớn hơn là thực trạng về sự thiếu trung thực của sinh viên. GD-ĐT là môi trường mà sự trung thực được đặt lên hàng đầu. Trong khi đó, trên giảng đường hiện nay, không chỉ có thi hộ, còn có học hộ, điểm danh thuê, sao chép đồ án, luận án…
Nhưng có rất ít trường xem trọng việc giáo dục ý thức trung thực cho sinh viên so với việc truyền đạt kiến thức.
Trước thực tế này, nhiều sinh viên buộc phải hành động. 5 sinh viên của các trường ĐH: Ngân hàng TP.HCM, Khoa học tự nhiên TP.HCM, Hoa Sen kết hợp làm phim kêu gọi sự trung thực. Một câu lạc bộ sinh viên được thành lập với mục tiêu nhân rộng nền giáo dục sạch, trung thực, không gian dối trong học tập. Câu lạc bộ này còn tổ chức tọa đàm với các doanh nghiệp để doanh nghiệp lên tiếng đánh giá cao sự trung thực của sinh viên. Một dự án khác mang tên “Tôi trung thực” cũng được triển khai với hàng loạt tọa đàm, chương trình khắp cả nước.
Khi trung thực trong thi cử, học tập, sinh viên mới có thể trung thực trong công việc sau này, trong cuộc sống. Hơn ai hết, chính sinh viên phải hiểu được điều này.
Đăng Nguyên
>> Trung thực trong thi cử ?
>> Thử thách lòng trung thực
Bình luận (0)