Các chuyên gia ở các trường đã có những lưu ý và lời khuyên rất hữu ích cho thí sinh (TS) trong chương trình tư vấn trực tuyến của Báo Thanh Niên với chủ đề: “Điểm chuẩn cao, có xét tuyển bổ sung?” vào chiều 17.9.
Các chuyên gia của các trường đại học tham gia tư vấn tại Báo Thanh Niên |
Lê Thanh Hải |
Điểm trúng tuyển y khoa cũng không cao bằng báo chí, sư phạm
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), cho rằng: “Nhìn chung mức điểm năm nay khá nhẹ nhàng. Nguyên nhân là do tổng số TS đăng ký và chỉ tiêu xét tuyển tương đương nhau, trong khi đó số lượng TS không thực hiện nộp lệ phí chỉ khoảng gần 3%, nên điểm chuẩn không có quá nhiều biến động”. Thạc sĩ Nguyên cũng cho biết vẫn có những ngành mức điểm khá cao như báo chí (trên 29 điểm). Các tổ hợp môn khối C năm nay có điểm số cao nên các ngành xét tuyển tổ hợp này cũng sẽ cao hơn các ngành khác.
Tiếp lời, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), cho biết trên mặt bằng chung của điểm chuẩn những năm trở lại đây có sự bất ngờ ở một số ngành. Năm nay với những bạn trúng tuyển ngành y thì điểm cũng không cao bằng báo chí, thậm chí y đa khoa cũng cao không bằng một số ngành sư phạm...
Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra quy định rất mới về việc xác nhận nhập học, nếu không thực hiện các bước này, TS sẽ bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển. Đó là thời gian xác nhận nhập học từ 17.9 tới trước 17 giờ ngày 30.9. Và việc đầu tiên là TS phải xác nhận trên hệ thống, sau đó là tới trường làm thủ tục.
Thạc sĩ Nguyên đặc biệt lưu ý: “Nếu TS đã trúng tuyển thì phải xác nhận và làm thủ tục nhập học, nếu trễ là coi như TS từ chối việc nhập học ở đợt này. Nếu đợi những đợt sau thì cơ hội sẽ rất mong manh”.
“TS vào cổng của Bộ nhập thông tin, sau đó vào tra cứu thông tin của mình, bước 3 xem kết quả, bước 4 xác nhận nhập học. Cuối cùng là kiểm tra trạng thái, kiểm tra thông tin của mình. Nếu muốn từ chối, hủy việc xác nhận nhập học thì cần liên hệ nhà trường để làm bước này, chứ TS không tự làm được”, thạc sĩ Nguyên hướng dẫn chi tiết hơn và cũng lưu ý TS trúng ngành nào thì phải đăng ký đúng ngành đó. Đừng có trúng ngành này lại đăng ký xác nhận nhập học ngành khác.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP.HCM |
Đào Ngọc Thạch |
Cơ hội nào cho xét tuyển bổ sung?
Đối với những TS chưa may mắn trúng tuyển trong đợt xét tuyển đầu tiên, điều mà TS quan tâm nhất hiện này là các chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của các trường. Về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho biết sau khi công bố điểm chuẩn thì HUTECH dự định không xét tuyển bổ sung ở hình thức điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Chỉ xét tuyển kết quả học bạ từ nay cho đến ngày 3.10, nên TS nào chưa có kết quả mong muốn ở đợt 1 có thể đăng ký xét tuyển bổ sung, có thể đến nộp trực tiếp hoặc qua hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, thạc sĩ Dung cũng lưu ý: “Ở đợt xét tuyển bổ sung thì Bộ sẽ giao cho các trường tự chủ, tự quyết định thời gian và điểm xét tuyển, miễn sao không thấp hơn điểm chuẩn đợt 1. Nên TS cần tìm hiểu ở các trường để biết rõ và cụ thể hơn, vì có thể trường này sẽ có những điều kiện xét tuyển khác các trường”.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên thì cho biết thông thường sau khi trúng tuyển có một số bạn sẽ không nhập học, chứ không phải là tất cả đều sẽ nhập học, nên trong đợt 1 tỷ lệ xét tuyển của các trường sẽ không đạt được 100%, và căn cứ vào đó các trường sẽ có chỉ tiêu xét tuyển bổ sung nhưng đối với UEF thì phải đợi sau 30.9. Và trường cũng chỉ nhận xét tuyển bổ sung bằng kết quả học bạ.
Đối với SIU, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết năm nay trường có 4 phương thức tuyển sinh, nhưng chỉ xét tuyển bổ sung cho kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Nếu xét tuyển bổ sung bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì khối ngành khoa học máy tính mức điểm từ 18, luật kinh tế quốc tế từ 18 điểm, logistics từ 17 điểm. Còn học bạ thì từ 18 điểm cho tất cả các khối ngành. TS có thể nộp xét tuyển bổ sung tới 17 giờ ngày 10.10.
Bạn đọc Lan Phương (ở Lâm Đồng) hỏi: “Con tôi đã trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 nhưng giờ muốn nhập học NV2 thì có được không?”. Đây là một tình huống thực tế được đặt ra hiện nay, trong trường hợp này TS nên giải quyết ra sao?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết quy chế là không thể thay đổi, trúng NV1 thì không thể đổi NV để học NV2 được. Nhưng một số trường cũng tạo điều kiện cho các bạn học song ngành, chẳng hạn như UEF.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Xuân Dung cũng khuyên bạn đọc Lan Phương: “Việc lựa chọn ngành học, trường học là việc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Mong các TS chọn cái gì thì nên ráng học tốt nhất, đi theo đam mê. Với trường hợp của bạn đọc Lan Phương, quy chế thì không thể từ chối nhập học ở NV1 để học NV2. Khi bạn đậu NV1 thì các NV sau sẽ không có hiệu lực. Nhưng nếu bạn thật sự muốn học ở NV2 thì nên tìm cơ hội ở xét tuyển bổ sung”.
Trong trường hợp nếu trúng tuyển ngành này nhưng không muốn nhập học thì có thể từ chối được không? Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho rằng TS vẫn có quyền, TS đang nắm trong tay quyền xác nhận hay không xác nhận, nếu 17 giờ ngày 30.9 TS không bấm xác nhận thì vẫn là “người độc thân” và chưa thuộc về trường nào hết. Đến lúc đó, TS có thể xét tuyển bổ sung.
Ý KIẾN
Thanh Hải |
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng UEF: “Chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của UEF thì phải đợi sau 30.9. Và trường cũng chỉ nhận xét tuyển bổ sung bằng kết quả học bạ”.
Thanh Hải |
Thanh Hải |
Bình luận (0)