Mọi năm, một thí sinh (TS) nếu đủ điểm trúng tuyển theo các phương thức khác, không phải bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì tâm trạng rất thoải mái vì chỉ cần đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT là ung dung vào đại học. Năm nay, mọi chuyện không đơn giản vậy. Nhìn vào những việc TS cần phải làm nếu đã đủ điểm chuẩn trúng tuyển sẽ hiểu vì sao những ngày qua báo chí và các trường liên tục đưa lời cảnh báo đến TS rằng nếu không cẩn trọng thì đậu cũng thành rớt, không trúng tuyển vào ngành, trường mình thật sự mong muốn.
Theo quy chế tuyển sinh ĐH năm nay, TS có thể trúng tuyển sớm bằng nhiều phương thức khác nhưng sau đó vẫn phải thực hiện đăng ký xét tuyển lên hệ thống lọc ảo chung của Bộ GD-ĐT sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Không chỉ có vậy, TS phải đăng ký theo đúng kỹ thuật là đặt ngành học đã được trúng tuyển có điều kiện lên thứ tự ưu tiên 1, nếu lỡ chuyển thành ưu tiên 2, 3… thì vẫn mất cơ hội trúng tuyển. Đó là chưa kể, vẫn có tình huống nếu ngành học đó thu hút nhiều TS đăng ký nguyện vọng 1 trên hệ thống chung trong khi chỉ tiêu vẫn như vậy, thì điểm chuẩn sẽ không còn như cũ dẫn đến nguy cơ TS bị trượt dù trước đó đã đủ điều kiện trúng tuyển.
Lý giải cho sự thay đổi này trong tuyển sinh đại học năm nay, đại diện Bộ GD-ĐT nhiều lần nhấn mạnh là vì quyền lợi của TS. Bộ GD-ĐT sẽ lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển để không còn tình trạng một TS xét và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường, làm mất cơ hội của nhiều TS khác, các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu…
Đành rằng mục đích để Bộ có những thay đổi trong xét tuyển là hết sức chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, cách thức thực hiện cho đến nay xem ra không ổn.
Không những TS hoang mang, rối rắm mà cả những người làm công tác tuyển sinh của các trường đại học cũng lo lắng, hồi hộp không kém, thậm chí còn không hình dung mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào. Liệu Bộ GD-ĐT có thực hiện được lọc ảo khi có khoảng 20 phương thức tuyển sinh, hàng triệu TS, mỗi TS từ 5 đến 10 nguyện vọng ở nhiều ngành, nhiều trường, nhiều phương thức?
Một chuyên gia làm công tác tuyển sinh lâu năm ở một trường đại học, trong chiều qua, còn lo ngại chia sẻ với chúng tôi: Thấy lo vì nếu TS không hiểu rồi đăng ký không khớp giữa các phương thức thì không biết phần mềm có lường trước và xử lý được các tình huống phát sinh không?
Nếu xử lý không khéo có khi nguy cơ từ đậu thành rớt hoặc vào không đúng ngành mình yêu thích lại không phải lỗi ở TS mà do… máy. Như vậy thì có phải là “học tài thi phận” không?
Thi cử vốn gây áp lực rất lớn cho TS, đặc biệt với các kỳ thi quan trọng. Có lẽ chúng ta không cần tạo thêm những lo ngại, rắc rối không đáng để gây thêm căng thẳng cho TS. Đặc biệt đây là lứa TS chịu ảnh hưởng nặng nề 3 năm học liên tiếp do dịch Covid-19, thời gian học trực tuyến kéo dài. Những xáo trộn trong cuộc sống, sinh hoạt, xã hội do dịch bệnh đã khiến đây là lứa học sinh có nhiều bất ổn về tâm lý.
Nếu vì quyền lợi cho TS, Bộ GD-ĐT cần một giải pháp thấu đáo hơn giúp TS an tâm hơn để chỉ cần tập trung vào kỳ thi chứ không lo âu vì những quy định không phù hợp.
Bình luận (0)