(TNO) Vấn đề lớn nhất của Serie A lúc này là gì nếu không là tiền? Kỹ nghệ marketing người Ý không tồi (trận Siêu cúp nước Ý tổ chức tại Trung Quốc là ví dụ), truyền thống đào tạo họ luôn có, sức hút của họ trong mắt các nhà đầu tư vẫn còn. Người Ý lúc này chỉ thiếu tiền để làm lực đẩy cho giấc mộng hồi sinh giải đấu từng là 'World Cup thu nhỏ' thôi.
>> Juventus gặp Lyon ở tứ kết Europa League
>> Sao Juventus so tài chuyền bóng chính xác
>> Juventus nới rộng cách biệt với AS Roma
|
Các ông chủ đội bóng ở Ý có nhiều tiền không? Việc vừa rồi ông bầu Massimo Cellino của CLB Cagliari vừa hoàn tất thủ tục tiếp quản Leeds United ở Anh có thể là một gợi ý. Việc Moratti và gia đình Sensi hoặc sắp tới có thể là gia tộc Berlusconi nữa sẽ rút lui là điều hết sức bình thường.
Đã qua rồi một CLB lớn được sống nhờ bầu sữa của một ông bầu. Khi thế giới càng phẳng, quyền sở hữu phải trở nên đa phương, với phần tham gia không thể thiếu từ nguồn tư bản nước ngoài.
AS Roma là một ví dụ và hãy tin là cả Inter Milan của ông chủ Thohir nữa. Sắp tới, AC Milan cũng sẽ vậy, như cái cách cô gái rượu Babarar đầy cá tính của cựu Thủ tướng Berlusconi miệng bảo không bán nhưng ra rả con số rao bán 300 triệu euro là của “30% chứ không phải 50%”.
Serie A đã và đang xuống cấp. Nhưng sẽ là thiếu đồng cảm nếu bảo lỗi là ở các ông bầu. Sự thực ngược lại, ở chính phủ với những quy định cứng nhắc.
Tại Ý, trừ Juventus không một CLB nào được sở hữu sân bóng riêng, nhưng phải đến gần đây.
Đấy là thiệt thòi rất lớn bởi CLB sẽ mất đi một khoản thu không nhỏ. Việc phải thuê lại sân từ chính quyền khiến họ bị động rất nhiều thứ, từ thi đấu đến lớn hơn là nâng cấp hay thậm chí xây mới sân.
Bởi thế, trừ Juve, việc các CLB muốn cải thiện tình trạng an ninh cũng hầu như là bất khả thi, bởi quyền tự quyết không nằm trong tay họ. Thực tế, riêng về khoản sân bãi, một trong những điều kiện cơ bản nhất, Serie A đã thua các quốc gia châu Âu khác cả "năm ánh sáng".
Hãy nghe Phó chủ tịch AC Milan Galliani bao nhiêu lần lên tiếng “than vãn” về chuyện sân bãi mới thấy nhu cầu bức thiết về việc được sở hữu một sân riêng của các CLB Ý lớn đến thế nào. Cả AC Milan lẫn Inter Milan đều ấp ủ kế hoạch xây sân mới từ rất lâu, nhưng vẫn bị trì hoãn đến tận lúc này.
Điều ấy, như lời sếp đầu trọc của AC Milan khẳng định, đã kìm hãm và khiến bóng đá Ý thua thiệt rất nhiều, không còn khả năng so sánh tài chính với các quốc gia khác. Tuy nhiên, xem ra Chính phủ Ý cũng nhận ra những hạn chế của luật pháp đã ảnh hưởng trầm trọng đến sự phát triển của bóng đá Ý.
Mới đây, Thị trưởng thành phố Naples Luigi De Megistris thông báo Ủy ban thành phố sẽ cho phép Napoli được nâng cấp SVĐ San Paolo. Thực tế đây là quá trình tranh cãi rất căng thẳng giữa thành phố với lãnh đạo CLB. Chủ tịch De Laurentiis của Napoli rất muốn thành phố cho phép CLB được xây sân mới. Có điều, ý định đấy đã không được chấp thuận, và thay bằng giải pháp dung hòa này, với điều kiện kèm theo là ông De Laurentiis phải có những khoản “ứng trước”.
Cuộc cách mạng ấy chưa như mong đợi, nhưng đã tốt hơn rất nhiều so với sự cứng nhắc trước kia. Nhưng có thể tin rằng xu hướng “an cư” của Serie A là điều không thể đảo ngược. AS Roma vừa qua cũng đã được thông qua dự án xây dựng tổ hợp thể thao mới, bao gồm SVĐ cực kỳ hiện đại trị giá gần 1 tỉ USD. 2 đội bóng thành Milan cũng đang ráo riết bàn bạc cho kế hoạch tách sân. Ngay cả đội bóng bình dân như Udinese hay nghèo hơn là Cagliari cho biết cũng sẽ nâng cấp sân của mình.
Chỉ là, đến bao giờ nó mới thực sự là xu thế trên toàn Serie A chứ không phải những bộc phát đơn lẻ đây?
Tiểu Bảo
Bình luận (0)