Trước quên sau quen

Con số hơn 7.000 thư trong năm 2016 mà Q.Bình Tân, TP.HCM, phải gửi để xin lỗi dân vì chậm trễ hồ sơ chắc là khiến người dân khó tránh khỏi cảm giác buồn vui lẫn lộn.

Chẳng bao giờ là sai cả khi chính quyền biết nhận trách nhiệm trước người dân và dũng cảm nhận lỗi khi xử lý các thủ tục hành chính không đúng cam kết. Xin lỗi dân, trước hết là thể hiện sự tôn trọng với người dân, thứ nữa là thể hiện sự tự trọng của chính quyền trong việc thực hiện trách nhiệm với dân. Xin lỗi dân, chí ít điều đó cũng giúp làm xoa dịu nhiều bức xúc còn ứ đọng trong lòng dân mỗi khi phải đối mặt với “mạng nhện” thủ tục hành chính.
Xin lỗi dân, dù sao vẫn là tốt hơn rất nhiều so với chuyện nhiều cơ quan chính quyền “quên” xin lỗi dân hoặc chọn thái độ hách dịch, cửa quyền để làm khó trở lại dân mỗi khi bị trễ hẹn trả hồ sơ.
Tuy nhiên, con số hơn 7.000 thư xin lỗi trong một năm, đặc biệt trong đó có hơn 6.500 thư xin lỗi liên quan đến thủ tục đăng ký đất đai, rõ ràng là một con số rất đáng buồn. Con số ấy có thể báo động nhiều điều quan trọng và cấp bách hơn đối với nỗ lực xây dựng một chính quyền kiến tạo và phục vụ như kỳ vọng của Thủ tướng.
Thứ nhất, phía sau con số này chắc chắn vẫn là một vấn đề lớn còn tồn đọng về cải cách thủ tục hành chính. Đó có thể là sự liên thông trách nhiệm giữa các cơ quan khác nhau của cùng một bộ máy chính quyền vẫn không thật sự thông suốt. Con số hàng ngàn trường hợp chậm trễ trả hồ sơ theo hẹn chắc chắn là một bằng chứng của căn bệnh thủ tục hành chính lòng vòng mà ngay cả các cơ quan chính quyền cũng trở thành “nạn nhân” của chính mình. May mà chính quyền triển khai mô hình “một cửa” nên chính quyền gánh thay cho dân cái khổ nạn hành chính lòng vòng, để rồi chính cơ quan chính quyền cũng không thể theo nổi cái sự lòng vòng ấy và đành phải chấp nhận lỗi hẹn hàng ngàn lần như thế.
Thứ hai, con số hàng ngàn lần xin lỗi dân nói trên có thể cho thấy một thực tế mới đáng ngại hơn là chính quyền có thể trở nên quen với việc xin lỗi dân. Lời xin lỗi dân rồi có thể sẽ trở thành một nghi thức vô cảm mang tính thủ tục, chiếu lệ qua loa. Lời xin lỗi, biết đâu, lại có thể trở thành một thứ công cụ để xoa dịu cảm xúc của dân chứ không phải là một tấm gương để soi xét lại chất lượng công việc của chính quyền. Một năm có dăm ba trường hợp đặc biệt, với những lý do cá biệt, khiến việc giải quyết thủ tục bị trễ hẹn phải dẫn đến chuyện xin lỗi dân là chuyện có thể thông cảm. Nhưng có đến hơn 7.000 lần phải xin lỗi trong năm thì chẳng phải chuyện thường.
Cảm ơn chính quyền đã biết xin lỗi dân. Nhưng cũng mong chính quyền hành động hữu hiệu để bớt phải xin lỗi dân. Đừng để chuyện xin lỗi dân trở thành một thói quen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.