Sáng sớm 9.2 (30 Tết Giáp Thìn), trên công trường xây dựng dự án cầu Nhơn Trạch, tiếng máy móc ì ì thay cho tiếng nhạc xuân, màu áo công trường thay thế màu vàng của hoa mai, màu hồng của hoa đào... Hàng trăm công nhân, cán bộ kỹ thuật năm nay phải xa nhà, đón tết ngay trên công trường để chạy đua tiến độ.
Anh em công nhân không nghỉ, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cũng không có ngày nghỉ. Ông Thi cho biết trong 7 ngày từ 7.2 - 14.2 (28 đến mùng 5 tết), 105 cán bộ kỹ thuật, nhân công và 32 thiết bị các loại, chia thành 13 mũi thi công sẽ làm việc xuyên tết không ngừng nghỉ.
Các hạng mục triển khai thi công chủ yếu là đóng cọc PHC sàn giảm tải, công trình tạm; cọc khoan nhồi; đúc dầm và thi công bê tông cốt thép phần bệ, thân, xà mũ cầu.
"Dự án có tổng 2 gói thầu xây lắp. Lũy kế sản lượng đến nay đạt tương đương 39,73% tổng giá trị hợp đồng. Trong đó, gói thầu CW1 (cầu Nhơn Trạch, dài 2.600m) đã đạt 60,13%/60,08% kế hoạch rút ngắn đã phê duyệt, phấn đấu hoàn thành gói thầu trước 30.4.2025, sớm 4 tháng so với tiến độ hợp đồng. Trong khi đó, gói thầu CW2 (đường dẫn 2 đầu cầu, dài 5.620m) khởi công ngày 29.5.2023 đến nay mới đạt 8,93% tiến độ, chậm so với yêu cầu do chưa được bàn giao đủ mặt bằng sạch để thi công. Do đó, đợt nghỉ Tết Dương lịch 2024, công trình cầu Nhơn Trạch cũng không "tắt máy". Toàn bộ nhân lực của hai gói thầu đều được huy động làm việc liên tục trên công trường" - ông Trần Văn Thi thông tin thêm.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, do đặc điểm miền Nam có mùa mưa bão ảnh hưởng nhiều đến công tác thi công, đặc biệt trong bối cảnh toàn bộ công trình phải thi công dưới nước, trên sông lớn. Những lúc mưa giông, gió giật lớn thì anh em công nhân phải tạm dừng thi công để đảm bảo công tác an toàn, cũng như chất lượng công trình. Vì thế, ngay sau khi dự án được khởi công, Ban QLDA Mỹ Thuận đã chỉ đạo nhà thầu huy động đầy đủ nhân lực, vật liệu và thiết bị để triển khai thi công ồ ạt trên toàn bộ công trường (phần đã có mặt bằng).
Từ đó đến nay, các đơn vị đã triển khai làm việc tăng 3 ca - 4 kíp cả ngày lẫn đêm, làm xuyên lễ, xuyên các Tết Nguyên đán, tranh thủ mùa khô để tăng tốc hoàn thành dần các khối lượng công việc trên công trường. Mặc dù chưa có đầy đủ mặt bằng, nhưng Ban QLDA Mỹ Thuận cũng đã và đang yêu cầu tất cả các nhà thầu nhận được mặt bằng đến đâu thì vẫn tập trung quyết liệt triển khai thi công đến đó, tranh thủ từng chút một khi có mặt bằng, đặc biệt là các vị trí có xử lý đất yếu là đường găng tiến độ của dự án.
Bữa cơm trưa 30 tết của những công nhân công trình cầu Nhơn Trạch
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm thi công của các nhà thầu và cùng sự tư vấn của đơn vị tư vấn giám sát nước ngoài (Hàn Quốc), các bên cũng đã xem xét có biện pháp liên quan để giảm thiểu sự ảnh hưởng và có kế hoạch dự phòng cho công trình.
Về khó khăn mặt bằng thi công, phía TP.HCM đã bàn giao 100% mặt bằng sạch, gói thầu CW1 đã cơ bản đủ mặt bằng để triển khai thi công. Tuy nhiên, gói thầu CW2 phần mặt bằng thực tế mà nhà thầu có thể tiếp cận để triển khai thi công chỉ được khoảng 1.700m/5.000m (35%) tổng chiều dài tuyến trên địa phận tỉnh Đồng Nai. Các vị trí còn lại mặt bằng bị "xôi đỗ", không đồng nhất nên không thể đưa máy móc, thiết bị vào thi công. Cầu Nhơn Trạch và đường hai đầu cầu chỉ còn tiến độ hoàn thành theo hợp đồng là 19 tháng. Trong khi đó, thời gian gia tải xử lý nền đất yếu phía địa phận tỉnh Đồng Nai có một số đoạn lên đến 15 tháng.
"Với tinh thần làm việc cao nhất, nhà thầu đang cố gắng hoàn thành gói thầu số CW1 sớm hơn so với hợp đồng, quyết tâm rút ngắn tiến độ dự án. Tuy nhiên, mặt bằng là vấn đề rất quan trọng hiện nay. Do đó, tỉnh Đồng Nai phải đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho dự án trong tháng 2 này thì dự án có thể triển khai thi công và hoàn thành đồng bộ theo hợp đồng đã ký kết", ông Trần Văn Thi nhấn mạnh.
Bình luận (0)