Trước trận Pháp - Đức: Vé giả tràn ngập Marseille, vé chợ đen đắt gấp 10 lần

07/07/2016 20:33 GMT+7

Càng về cuối giải, cơn sốt vé càng tăng; nhiều cổ động viên phải bấm bụng mua vé với giá đắt gấp 10 lần giá gốc; không ít người mua trúng vé giả.

“Đến nay đã có nhiều trường hợp bị phát hiện sử dụng vé giả ngay tại cổng soát vé. Những trường hợp này đều không được vào sân”, UEFA vừa phát đi thông điệp cảnh báo các cổ động viên về nạn vé giả, vé chợ đen.
Đi khắp 10 sân đấu từ đầu giải tới giờ, tôi đã không biết bao nhiêu lần chạm mặt dân phe vé. Có thể nói Euro 2016 là sự kiện mà vé chợ đen hoạt động nhộn nhịp nhất, không lén lút như các kỳ World Cup và Euro trong vòng 10 năm trở lại đây. Đi riết rồi chợt nhận ra mấy gương mặt bán vé chợ đen hầu hết đều quen thuộc, cũng người đó, chiêu thức đó tôi đã gặp ở Toulouse thì vài hôm sau gặp lại ở Lille và giờ đây lại gặp ở Marseille, trước trận bán kết Pháp - Đức.
Có thể thấy mức độ chuyên nghiệp hóa của dân phe vé rất cao với địa bàn hoạt động rộng. Chiêu thức thường thấy nhất là họ sẽ cầm tấm biển “Tôi cần vé” hoặc “Tôi có vé bán” để gây chú ý, và luôn đứng ở các nhà ga trung tâm, bến tàu điện gần sân vận động, Fanzone, xung quanh các sân vận động. Hễ thấy các cổ động viên xuất hiện là họ sà tới chào mua.
Trên đường từ trung tâm Marseille ra sân Velodrome, tôi đã băng qua cả chục nhóm bán vé chợ đen. Vé đủ loại, từ loại 1 đến loại 4, giá thì cũng vô chừng, có loại khá rẻ, trong khi có loại được hét giá cao ngất. Quan sát quanh các trận đấu, có thể thấy một lượng vé chợ đen rất lớn đang ở trong tay phe vé. Điều này giải thích vì sao có nhiều trận đấu Ban tổ chức thông báo đã bán hết vé nhưng khán đài vẫn trống lỗ chỗ. Chẳng hạn trận bán kết Xứ Wales - Bồ Đào Nha, khán đài còn rất nhiều ghế trống. Có thể suy luận rằng nhiều tay phe vé đã không bán hết vé phải “ôm cục nợ” trong tay.
Trận đấu Pháp – Đức được đông đảo người hâm mộ chờ đợi, do đó mà giá vé chợ đen cũng được đẩy lên cao Đỗ Hùng
Bất chấp các lời cảnh báo về nguy cơ khủng bố cùng những hình ảnh kinh hãi của hooligan, nhu cầu về vé xem Euro 2016 luôn rất cao. Trước khai mạc vài ngày, Ban tổ chức thông báo chỉ còn 8.000 vé trên hệ thống. Tới ngày khai mạc, hệ thống bán vé trực tuyến chính thức “hết hàng”. Nhiều người quen của tôi từ Việt Nam cũng nhắn tin nhờ mua vé các trận cuối cùng của Euro 2016.
Thực ra, việc mua vé theo kênh chính thức thì không thể nhưng mua vé chợ đen thì có thể nói muốn bao nhiêu cũng có. Vấn đề là khi mua vé chợ đen sẽ gặp hai thách thức: giá rất cao và có thể gặp vé giả. Giá cao thì có thể bấm bụng mua, nhưng gặp vé giả là một bi kịch khủng khiếp. Hãy tưởng tượng xem, một người lặn lội từ Việt Nam sang Pháp để xem trận chung kết trong mơ, cuối cùng lại gặp vé giả phải đứng bên ngoài sân.
Xung quanh các trận đấu Euro và World Cup, tôi đã gặp rất nhiều gã đàn ông khóc òa lên vì mua phải vé giả. Mất tiền tiếc một phần, nhưng không được vào sân xem là một cú bàng hoàng không hề nhẹ đối với các cổ động viên bóng đá. Trên thực tế thì suốt giải Euro 2016, Ban tổ chức đã phát hiện rất nhiều vé giả. Đây là những vé mà các cổ động viên xui xẻo mua phải từ những tay phe vé ngoài đường hoặc mua trên mạng.
Bên cạnh nguy cơ của việc mua phải vé giả, người hâm mộ cũng có thể gặp rắc rối khi vé mua từ các kênh không chính thức không đứng tên mình. Thông thường thì người ta sẽ không đối chiếu, nhưng một khi đã đối chiếu vé và các loại giấy tờ tùy thân không khớp tên, thì người giữ vé không thể vào sân. Trả lời câu hỏi của Thanh Niên, người đại diện bộ phận vé của Euro 2016 cho biết: “Việc bán vé không theo sự ủy quyền của UEFA là vi phạm. Ban tổ chức sẽ kiểm tra ngẫu nhiên, nếu vé không khớp với giấy tờ tùy thân thì sẽ không cho vào”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.