|
>> BLV Trương Anh Ngọc kể chuyện tình
Nguy hiểm, không chỉ là một nhát dao
Phóng viên tường thuật World Cup 2010 tại Nam Phi, Trương Anh Ngọc, đã chỉ nhìn thoáng thấy một vệt sáng lóe lên trong ống kính. Rồi hai thanh niên vạm vỡ cầm dao lao đến anh ở Khayelitsha - nơi người dân phần đông sống bằng nghề ăn cướp, không thèm xem bóng đá, căm ghét giải vô địch thế giới tổ chức trên nước mình vì cảnh sát hóa các tuyến đường khiến số đông đó chẳng thể làm ăn.
Một khu tạm bợ mà chất lượng sống thấy rất rõ ở hàng dãy nhà vệ sinh công cộng xây lên rồi bỏ không vì không ai thèm có thói quen sử dụng.
|
“Tôi đã suýt mất mạng vì quá liều lĩnh, phớt lờ mọi cảnh báo để đi đến khu cùng đinh và đầy trộm cướp ấy của Nam Phi”, Anh Ngọc nhớ lại.
Thật may, trước nhát dao, anh đã có cuộc nói chuyện với ông trưởng thôn, cũng như chớp được những khoảnh khắc dân ca của các em bé da đen vẫn còn hồn nhiên.
“Địa ngục của địa ngục” viết về Khayelitsha chỉ là một phần trong cuốn sách Phút 90++ của Trương Anh Ngọc.
Tối 30.9, một số độc giả đã bắt đầu chia sẻ trên trang mạng cá nhân việc đi tìm mua sách của anh và vét được những cuốn cuối cùng của một hiệu sách nào đó. Điều này cho thấy cuốn sách có thể lặp lại kỳ tích của cuốn sách đầu tiên cùng tác giả. Khi Nước Ý, câu chuyện tình của tôi họp báo ra mắt cũng là lúc đơn vị xuất bản bắt đầu tái bản.
Phút 90++ là những câu chuyện bắt đầu từ liên tiếp các chuyến tường thuật World Cup của anh. Cảm xúc rất giống với một cổ động viên nhưng lại mang góc nhìn của một phóng viên quốc tế, người từng làm Trưởng đại diện của Thông tấn xã Việt Nam ở Roma từ 2007-2010 và giờ lại tiếp tục chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2013-2016. Nghĩa là không phải như một người đi phượt...
Đi, không chỉ là lãng mạn khám phá
|
Từ cuốn sách tái bản liên tục 5 lần Nước Ý, câu chuyện tình của tôi tới Phút 90++ Trương Anh Ngọc dường như đã nhìn thấy lại liên tục nhát dao suýt lấy máu của anh ở Nam Phi. Nhát dao cho những người làm nghề quá say nghề, để bản năng kéo đi mà bất cẩn. Nó giống như từng lớp, từng lớp cảm hứng mà anh vẫn thể hiện trong bình luận bóng đá - điều làm nên phong cách nhưng cũng khiến nhiều độc giả phát điên vì không chịu nổi mạch cảm hứng quá dài.
Ở cuốn sách thứ hai, Ngọc đã va đập chứ không chỉ tưởng tượng, đã lập luận có phần kín kẽ chứ không chỉ nêu vấn đề, và đã nhìn thấy các vấn đề xã hội quanh sân bóng chứ không phải chỉ những chiến thuật, những đường chuyền.
Chính vì thế, cuốn sách có những đoạn mà Nước Ý, câu chuyện tình của tôi không có. Cuộc đổ bộ của bốn vạn gái gọi là chương sách như thế trong Phút 90++. Họ không nói tên thật, nhưng với quan sát của Ngọc, sự mệt mỏi, lối chán chường hiện hữu. Người đọc thấy được sự lẻ loi - ngay giữa bối cảnh đông đúc - của từng cô gái gọi dưới sức nghiến của công nghiệp tình dục. Ở đó, lao động báo chí của Ngọc thể hiện rất rõ. Bài viết gần như một tác phẩm phóng sự (báo chí) chứ không phải ký sự (thấm đẫm chất văn học) như quyển sách kể "chuyện tình" kia.
Chính vì thế, xách ba lô đi và... thoát chết ở Nam Phi, nhưng lớn hơn, Trương Anh Ngọc đã thoát chết khi trưởng thành hơn chứ không phải chỉ là những chuyến đi khám phá lãng mạn...
Trinh Nguyễn
>> Nam Phi - đất nước nhiều thủ đô
>> Nam Phi thiên đường trong hoang dã
>> Đồ lưu niệm, sách về ông Mandela bán chạy tại Nam Phi
>> Nam Phi có kênh truyền hình "người lớn" đầu tiên
>> Nghi án ngôi làng “chết chóc” ở Nam Phi
>> Dân Nam Phi cầu an cho ông Nelson Mandela
>> Yêu dê kiểu Nam Phi
Bình luận (0)