Trưởng ban Kinh tế T.Ư: 'Công nghiệp mũi nhọn sẽ không còn như cái gai quả mít'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/12/2022 10:23 GMT+7

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh cho biết, T.Ư Đảng xác định các ngành công nghiệp mũi nhọn sẽ không ưu đãi theo diện rộng, dàn trải như "cái gai quả mít" như trước đây.

"Nguy cơ tụt hậu ngay nhãn tiền"

Sáng 6.12, tiếp tục hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề Nghị quyết 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Tuấn Anh truyền đạt nội dung Nghị quyết 29 Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII

gia hân

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, T.Ư Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa qua.

"Mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã không hoàn thành", ông Trần Tuấn Anh nói về hạn chế thứ nhất và dẫn hàng loạt các tiêu chí không đạt được từ GDP bình quân đầu người, tỉ trọng công nghiệp chế tạo và tỉ trọng nông nghiệp trong GDP cho tới tỉ lệ lao động qua đào tạo, tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch...

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. "Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu là nhãn tiền", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hạn chế thứ 2, theo ông Trần Tuấn Anh, nội lực kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư phân tích, bối cảnh phức tạp của thế giới thời gian qua cho thấy các nước đang phát triển như Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực, chưa nói tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

"Yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là vô cùng quan trọng, đảm bảo thành công của chúng ta trong phát triển", ông Trần Tuấn Anh lưu ý.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hóa; doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế; đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn.

Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh hạn chế trong việc đô thị hóa chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai; chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế.

"Đô thị hóa tại Việt Nam đang ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân, không chỉ hạ tầng giao thông mà hạ tầng thoát nước cũng nhiều bất cập", ông Trần Tuấn Anh nói.

Sẽ không như "cái gai của quả mít" nữa

Về giải pháp, Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho biết, T.Ư Đảng đặt ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó nhấn mạnh đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các ngành công nghiệp mũi nhọn sẽ không ưu đãi theo diện rộng, dàn trải như trước đây

gia hân

Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Ông Trần Tuấn Anh phân tích, T.Ư đặt ra 7 nhóm nội dung cần đẩy nhanh thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó bao gồm việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó là rà soát hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh lưu ý công nghiệp mũi nhọn sẽ không theo hướng ưu đãi theo diện rộng, dàn trải như "cái gai của quả mít" như trước đây. Thay vào đó, sẽ tập trung vào các lĩnh vực được xác định theo tiêu chí phù hợp cho từng giai đoạn.

Nghị quyết tiếp tục đặt ra nhiệm vụ đổi mới chính sách đất đai, tín dụng, tài chính, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; đồng thời có chính sách đột phá để thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn.

Nhấn mạnh giải pháp xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường, ông Trần Tuấn Anh cho biết, T.Ư Đảng đã phân tích, đánh giá và thống nhất cao cần tập trung xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030.

T.Ư Đảng cũng đã chỉ rõ các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đủ mạnh để phát triển, tránh dàn trải như đối với ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.

Cụ thể bao gồm: công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gien, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá; công nghiệp văn hoá...

Đến 2030 GDP bình quân 7.500 USD

Nghị quyết 29 Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD.

Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Cùng với đó, xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Hoàn thành xây dựng chính phủ số, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

Về tầm nhìn đến năm 2045, T.Ư Đảng nêu rõ mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.