Chiều 4.3, Ban Tổ chức T.Ư tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến ngành tổ chức xây dựng Đảng tháng 3. Nhiều vấn đề về công tác cán bộ đã được đưa ra thảo luận.
Còn biểu hiện nể nang khi lấy phiếu tín nhiệm
Trình bày ý kiến tại hội nghị, Trưởng ban Tổ chức tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Khỏe cho hay, việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo lãnh đạo chủ chốt các cấp được tiến hành theo đúng hướng dẫn, khách quan.
“Trước mắt không có hiện tượng vận động, tranh thủ, có những biểu hiện tiêu cực trong lấy phiếu tín nhiệm hay lobby vấn đề này”, ông Khỏe khẳng định và cho hay, tại địa phương này không có người nào có tín nhiệm thấp dưới 50% cần phải xem xét.
Tuy nhiên, Trưởng ban Tổ chức tỉnh Phú Thọ cho rằng, qua thực tế lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá xếp loại đảng viên vẫn còn tình trạng nể nang nên tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tín nhiệm cao rất cao, không sát thực tế.
“Nhiều cấp trên tự đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cấp dưới lại động viên cấp trên xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Khỏe nêu và đề nghị cần có cơ chế đổi mới thêm công tác đánh giá, xếp loại đảng viên để chấm dứt tình trạng nể nang, cấp dưới nịnh cấp trên, đánh giá không sát thực tế.
Ông Khỏe cũng dẫn một bất cập nữa trong công tác đánh giá, xếp loại đảng viên là việc cả đảng bộ bị ảnh hưởng khi chỉ cần 1 cấp ủy viên bị kỷ luật.
“Chẳng hạn ở cấp huyện có 1 huyện ủy viên sinh con thứ 3 bị kỷ luật thì đảng bộ đó chỉ được xếp hoàn thành nhiệm vụ dù mọi nhiệm vụ khác đều hoàn thành xuất sắc”, ông Khỏe nêu ví dụ và cho rằng, việc đánh giá như vậy là thơi nặng, gây thiệt thòi cho một tập thể.
Tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền phải xử lý
Trong phần đề xuất, Trưởng ban Tổ chức tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện Phú Thọ đã hoàn thiện các thủ tục kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và đề xuất Ban Tổ chức T.Ư tham mưu Ban Bí thư sớm, để Phú Thọ có thể kiện toàn chức danh này trước dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương 10.3 sắp tới.
“Phú Thọ có đặc thù là khi tổ chức giỗ tổ Hùng Vương 10.3 thì chủ tịch UBND tỉnh bao giờ cũng là chủ lễ. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại Phú Thọ vẫn chưa có chức danh này”, ông Khỏe cho hay.
Trao đổi thêm về đề xuất này, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho biết, đối với cán bộ thường xuyên theo quy định là phải có ý kiến đầy đủ các cơ quan.
Chẳng hạn, đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý thì phải lấy ý kiến Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Cán sự đảng Chính phủ và một số cơ quan có liên quan… Ngoài ra còn lấy ý kiến Ban Bảo vệ chính trị nội bộ. Tổng cộng là 4-5 cơ quan.
“Việc lấy ý kiến phải đợi các cơ quan rà soát kỹ. Chúng tôi cũng làm việc và đề nghị các các cơ quan khẩn trương”, ông Chính nói song cho biết, nhiều cơ quan không thể tổ chức họp liên tục được trong khi công tác cán bộ thì liên tục.
Theo ông Chính, hiện nay chúng ta tiếp tục cải cách hành chính nhưng trong công tác cán bộ phải bàn tập thể. Do đó, quá trình làm có những trường hợp phù hợp với các cuộc họp thì nhanh, trong khi có những trường hợp không khớp các cuộc họp thì có thể bị chậm hơn.
Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nêu vấn đề trong thời gian tới cần phải giải quyết mâu thuẫn giữa các trường hợp được bổ nhiệm với các quy trình của công tác cán bộ để “giải quyết nhanh, gọn, chính xác”.
Bên cạnh đó, ông Chính cũng khẳng định, phải kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì dứt khoát phải xử lý và loại bỏ.
“Đối với Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ, Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có chức năng tham mưu về công tác cán bộ thì đề nghị các đồng chí không phải chạy, không phải lo, không phải băn khoăn cái gì mà phải chạy lên tìm người tác động”, ông Chính nói và cho biết, ngành tổ chức xây dựng Đảng phải xây dựng công tác cán bộ thật sự trong sạch, lành mạnh, dân chủ, khách quan, trung thực để tìm ra đội ngũ cán bộ trong sáng, công tâm và gương mẫu.
Bình luận (0)