Trưởng Ban trọng tài VFF: ‘Chúng tôi không bao biện cho trọng tài...’

01/08/2016 13:14 GMT+7

V-League 2016 dường như đang ‘chao đảo’ bởi sai sót của đội ngũ trọng tài. Dĩ nhiên, với tư cách là người trong cuộc, trưởng Ban trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Nguyễn Văn Mùi cảm thấy không vui.

Trong số những quan chức của ban tổ chức giải, ông Mùi có vẻ như là nhân vật ‘khổ’ nhất, chịu nhiều áp lực nhất từ công luận. Bản thân tôi cứ dăm bữa, nửa tháng lại phải liên lạc với ông Mùi mà câu đầu tiên luôn là, thưa ông, trọng tài A, trọng tài B ở tình huống A, tình huống B, có sai không ạ? Và hầu hết câu trả lời là: Có!

Sau lượt trận 18 nhiều “giông bão”, chúng tôi lại có cuộc phỏng vấn ông Mùi và câu đầu tiên là: Tâm trạng ông thế nào khi đến trọng tài Phùng Đình Dũng được đánh giá cao mà vẫn phải rời sân trong tư thế được an ninh hộ tống vì bị khán giả Nha Trang phản ứng dữ dội?

Ông Nguyễn Văn Mùi: Trọng tài Dũng đã 12 năm làm trọng tài FIFA, còn có trong danh sách trọng tài Elite của Liên đoàn bóng đá châu Á. Trận đấu trên sân 19.8 (Nha Trang), Dũng bắt tốt 92 phút, chỉ đến giây cuối cùng mới mắc sai lầm sơ đẳng khi nhầm lẫn điều này với điều kia trong luật FIFA.


[VIDEO]: TRỌNG TÀI PHÙNG ĐÌNH DŨNG BỊ PHẢN ỨNG TẠI SÂN 19.8

Ngoài trọng tài Dũng, những sai sót của các trọng tài khác ở những lượt trận gần đây khiến tôi rất buồn, đau lòng. Ban trọng tài, ban tổ chức giải đã nhắc nhở, hướng dẫn, có những buổi làm việc trước lượt trận để phòng ngừa sự cố, ôn lại cho trọng tài những quy định trong xử lý tình huống của luật FIFA. Nhưng cuối cùng vẫn mắc sai sót.

* Thưa ông, một người có trách nhiệm của Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) vừa nói với tôi là hình như sai sót liên tiếp của trọng tài cũng bắt nguồn từ việc có quá ít khóa học dành cho họ.

Ông Nguyễn Văn Mùi: Nói quá ít là chưa chính xác. Theo kế hoạch đào tạo trọng tài tại Việt Nam, hai năm một lần có một khóa sơ cấp mà như năm 2015 có 3 lớp tại 3 khu vực, sau đó là lớp nâng cao vào năm 2016 để chọn lựa ra những trọng tài có triển vọng. Giảng viên trong nước có 5 người và chúng tôi cũng mời thêm cả giảng viên nước ngoài cho lớp nâng cao.

Nhưng giữa học và hành, lý thuyết và thực tế lại là hai câu chuyện khác nhau. Xem video phân tích tình huống bao giờ cũng dễ tiếp thu, cũng thấy đơn giản hơn rất nhiều khi đối mặt với tình huống thật trên sân bởi khi ấy ngoài năng lực còn đòi hỏi ở trọng tài nhiều yếu tố khác nữa.

tin liên quan

‘Ban tổ chức V-League không bênh vực trọng tài một cách mù quáng’
Ban tổ chức V-League không cấm các HLV có ý kiến về trọng tài, chỉ những trường hợp phát biểu công kích, xúc phạm hoặc thoá mạ người khác mới bị xem là vi phạm và bị xử phạt. Đó là khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Mùi - trưởng ban trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

* Những yếu tố khác nữa, phải chăng là bản lĩnh và cá tính mạnh mẽ trước áp lực từ các đội bóng. Dẫu phê bình trọng tài nhưng phải thú thật là tôi thấy nhiều đội bóng “hung dữ” quá, có lúc họ dùng sai sót của trọng tài để ‘lấp liếm’ yếu kém dẫn đến thua trận của mình!

Ông Nguyễn Văn Mùi: Chúng tôi không bao biện cho trọng tài và cũng không nương tay với bất kỳ trường hợp sai phạm nào. Nhưng tính chuyên nghiệp ở nhiều đội bóng không cao. Nhiều cầu thủ và một bộ phận HLV xem sai số (mà làm sao tránh khỏi sai số) của trọng tài là điều không thể tồn tại.

Có nhiều thông tin về sai sót do CLB nọ, CLB kia dựng nên mà sự bịa đặt này nhằm phục vụ mục đích gì đó của họ mà chúng tôi không thể biết. Những thông tin được tung ra một cách đầy chủ ý, như kiểu đội A sẽ được ưu ái, đội B sẽ được bắt nương tay, đội C sẽ được đưa vào tầm ngắm, làm mọi thứ rối lên. Mục đích của họ nhằm vào cá nhân: Khi bức tranh về trọng tài bị tô vẽ một cách xấu xí thì ông Mùi sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ.

* Thưa ông, cá nhân ông và con trai là trọng tài Nguyễn Trọng Thư và con rể là trọng tài Võ Quang Vinh, gần đây bị mổ xẻ rất “ác liệt”. Người ta nói đang có tình trạng “gia đình trị” trong công tác trọng tài rồi nói ông tự tung tự tác. Ông có nghe những điều tiếng ấy và cảm giác của ông thế nào?

Ông Nguyễn Văn Mùi: Tôi cũng nghe thấy chứ, đọc thấy chứ. Nhưng toàn thông tin không đúng, bịa đặt cả mà thôi. Những chỉ trích ấy hoàn toàn không đúng. Gia đình trị là như thế nào, tôi cũng không hiểu? Thư cũng đã mắc sai sót và đã bị kỷ luật. Thư cũng sẽ không được bắt trận tranh chấp huy chương mà có SHB Đà Nẵng vì Thư là người Đà Nẵng. Còn Vinh thì hai năm nay bị chấn thương, không làm.

Trọng tài Phùng Đình Dũng (áo đen, từ bên phải) đã mắc sai sót nghiêm trọng trong trận đấu giữa Khánh Hòa và Quảng Nam  Bá Duy

Quy trình phân công trọng tài do cả Ban trọng tài bàn bạc, tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, nhằm đảm bảo tính công bằng nhất. Tôi chỉ là người chấp bút ký rồi sau đó bảng phân công còn phải báo cáo VFF. Tôi làm công tác trọng tài 41 năm rồi. Áp lực cũng đã trải qua nhiều nên tôi không quan tâm mấy đến những chỉ trích sai về mình đâu. Ông Mùi không bao giờ bảo trọng tài làm sai và càng không một tay che cả bầu trời. Tuyệt đối không.

* Trọng tài là yếu tố quan trọng cấu thành nên sự thành công hay thất bại của một mùa giải. Nếu tình hình cứ diễn ra xấu như những lượt trận vừa qua, liệu V-League năm nay có về đích an toàn được không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Mùi: V-League còn 8 lượt trận nữa và nói gì thì nói thì công tác trọng tài cũng phải được làm tốt hơn dẫu việc ra sân, sai sót hay thành công của trọng tài có thể còn do “hên xui”, không ai có thể lường trước hết được là liệu có sự cố gì liên quan đến trọng tài xảy ra hay không.

Chúng tôi sẽ có hai phương án. Một là cân nhắc, cắt cử những trọng tài giàu kinh nghiệm, giàu bản lĩnh, ít mắc sai sót điều hành những trận mang tính quyết định. Trong số 5 trọng tài FIFA, trọng tài Dũng bị xử lý thì còn 4 gồm trọng tài Võ Minh Trí, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Đức Vũ, Nguyễn Hiền Triết. Những trọng tài có năng lực tốt, ít mắc sai lầm lớn như Nguyễn Trọng Thư hay những trọng tài trẻ có triển vọng như Hoàng Phạm Công Khanh, Hoàng Ngọc Hà, Ngô Duy Lân cũng sẽ được cân nhắc để bắt chính. Yêu cầu đặt ra là phải tỉnh táo, sáng suốt, công tâm.

Phương án hai là mời trọng tài ngoại bắt từ vòng 21, 22 trở đi. Ưu tiên trọng tài Nhật Bản, Hàn Quốc, sau đó là Malaysia, Singapore. Chúng tôi đã mời rồi.

Nhưng cái khó cho Ban trọng tài là năm nay có tới 4, 5 đội cùng tranh chấp ngôi vô địch. Nên việc phân công không dễ dàng đâu. Nhất là khi áp lực cho trọng tài ngày càng nặng nề thế này…

* Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.