Có hiện tượng "nóng ảo" trong đào tạo báo chí, truyền thông
Chiều nay 8.9, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo T.Ư và một số ban, bộ, ngành đã làm việc với Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, làm trưởng đoàn công tác.
Tại buổi làm việc, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu một số thông tin về thực trạng đào tạo lĩnh vực báo chí - xuất bản hiện nay, trong đó có hiện tượng ồ ạt đào tạo ngành truyền thông của các trường tư thục, tạo hiện tượng nóng ảo, dẫn đến việc dư thừa về đầu ra và chất lượng đào tạo không đảm bảo của các cơ sở này. Điều này làm ảnh hưởng đến vị thế, uy tín của ngành nghề và các cơ sở đào tạo nghiêm túc, bài bản khác.
Việc tổ chức quản lý công tác đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông giữa các cơ sở đào tạo công và tư thục hoặc việc sử dụng giảng viên cơ hữu giữa các cơ sở đào tạo công và tư thục hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ và chưa có nhiều động lực, cơ chế để các trường phát triển công bằng.
Từ nhận định trên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra một số đề xuất với Ban Tuyên giáo T.Ư, chẳng hạn như sớm có tổng kết về công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông trên cả nước để đánh giá những thành công, hạn chế, bất cập từ đó có những chỉ đạo phù hợp trong công tác đào tạo, quản lý lĩnh vực này trên cả nước. Hoặc, xây dựng quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045; sắp xếp lại các cơ sở hiện có theo hướng chính quy, hiện đại, chuyên sâu, tập trung.
Phải đào tạo được những người làm nghề tinh thông, chuyên nghiệp
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao đội ngũ những người làm báo chí, xuất bản trong gần 40 năm sự nghiệp đổi mới đã thực hiện tốt sứ mệnh nghề nghiệp của mình, phát huy vai trò xung kích, tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Trong đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển, trưởng thành của đội ngũ báo chí, xuất bản cả nước.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục làm rõ để có nhận thức đúng về nghề báo, về việc làm báo trong thời kỳ mới; về sứ mệnh lịch sử của nghề báo trong thời kỳ mới, từ đó đặt ra nhu cầu và mục tiêu của chương trình đào tạo.
Về chuẩn chương trình đào tạo đại học các lĩnh vực, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị. Riêng lĩnh vực báo chí, xuất bản và truyền thông, Học viện Báo chí - Tuyên truyền sẽ là đơn vị tham mưu, giúp Ban Tuyên giáo, Bộ TT-TT và Bộ GD-ĐT đưa ra định hướng chung, để Ban Tuyên giáo T.Ư có căn cứ trao đổi khi đi làm việc trong thời gian tới với các đơn vị đào tạo báo chí - xuất bản khác. "Tôi đồng ý quan điểm là học tập suốt đời, đặc biệt với nghề báo. Nhưng cái nền tảng rất quan trọng, cho nên rất cần chương trình đào tạo bài bản", ông Nghĩa chia sẻ.
Theo ông Nghĩa, mọi giải pháp đều phải xoay quanh vấn đề trọng tâm là phải làm sao nâng cao chất lượng đào tạo báo chí, xuất bản. Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm tới vấn đề chất lượng đội ngũ giảng viên. Không có đội ngũ giảng viên tâm huyết, không truyền được cảm hứng, không truyền được nghề cho các thế hệ người học, thì sẽ không giải quyết được vấn đề chất lượng. Đặc biệt, trong hoạt động "truyền nghề", bài học thực tiễn của thầy cô giáo là rất quý giá, hơn rất nhiều việc chỉ nói lý thuyết suông.
Ông Nghĩa cũng yêu cầu hoạt động đào tạo báo chí, xuất bản trong thời kỳ hội nhập quốc tế phải đảm bảo tính toàn diện, nhưng đồng thời phải đào tạo được những nhà báo, người làm công tác xuất bản, truyền thông… giỏi về chuyên ngành của mình. "Yêu cầu đặt ra trong đào tạo lĩnh vực báo chí - xuất bản là phải đào tạo được những người làm nghề tinh thông, phải chuyên nghiệp", ông Nghĩa nói.
Bình luận (0)