Nhà văn Nguyễn Chí Trung, "sếp" của Trại sáng tác này, đã gửi công văn ra Tổng cục Chính trị xin tôi về trại. Đó là cái công văn tôi chờ mà không dám tin là mình nhận được.
Về tới Đà Nẵng, chính thức là thành viên của Trại sáng tác văn học lớn nhất và đầu tiên trong cả nước, tôi rất vui, vì mình đã ôm ấp một trường ca muốn được viết mà chưa có cơ hội. Bấy giờ thì cơ hội đã đến.
Tôi đăng ký trực tiếp với anh Nguyễn Chí Trung, là sẽ viết một trường ca về chiến tranh. Thực ra, lúc ở chiến trường Nam bộ, tôi đã viết được hơn 100 câu thơ, gọi là "phác thảo" trường ca tương lai này. Rồi tôi tạm đặt tựa đề cho trường ca đầu tiên của mình là Tháng năm và giây phút.
Cuối tháng 5.1975, từ Sài Gòn tôi theo đoàn nhà văn miền Trung gồm anh Nguyên Ngọc, anh Nguyễn Chí Trung, anh Thu Bồn, chị Ý Nhi, bạn Ngô Thế Oanh đi lên Đà Lạt trước khi về miền Trung, tôi đã có cơ hội dự một "đêm không ngủ" với các bạn sinh viên tranh đấu ở Đà Lạt. Trong cuộc vui đó, khi được giới thiệu đọc thơ, tôi đã chọn đọc ngót trăm câu thơ trong bản thảo Tháng năm và giây phút. Đó là lần đầu tiên tôi đọc thơ mình cho sinh viên đô thị miền Nam nghe. Hơi có vẻ cảm động.
Rồi tới khi được rảnh rang ngồi vào bàn viết ở Trại sáng tác Quân khu 5, một điều tôi mơ ước từ rất lâu, thì tự nhiên, tôi nhận được một gợi ý từ vô thức của mình. Tôi chợt nhớ đến trường ca Những người trên cửa biển của Văn Cao. Tôi đã được đọc trường ca này ở Hà Nội, trước khi đi chiến trường Nam bộ. Chính cái đầu đề Những người trên cửa biển của Văn Cao đã gợi ý cho tôi: mình có thể đổi đầu đề trường ca của mình là Những người đi tới biển. Nghe có lý hơn. Như thế, từ Tháng năm và giây phút đã thành Những người đi tới biển. Vì sao là Những người đi tới biển? Tôi nghĩ, thế hệ chúng tôi tham gia chiến tranh một cách tự ý thức, vì thế, "đi tới biển" chính là đi tới với nhân dân mình. Nhân dân là biển, điều này Nguyễn Trãi đã nói từ mấy trăm năm trước.
Từ lúc đổi tên trường ca, tôi viết cảm thấy "trôi" hơn, cứ như mình là chiếc lá nhỏ bé gặp dòng sông, cứ thế trôi ra tới biển.
Năm 1976 là "năm Bính" của tôi. Vậy mà có những chuyện lớn tôi tính được và hoàn thành cơ bản trong năm này. Đầu tiên là chuyện viết trường ca. Rồi tới chuyện tình yêu. Cô gái tôi yêu và yêu tôi đã chấp nhận sẽ đi suốt đời với một anh lính - nhà thơ nghèo là tôi. Tôi đã đưa em về ra mắt thầy má mình, và được thầy má hân hoan đồng ý.
Chỉ có một chuyện tôi không thể tính mà lại được. Đó là năm 1976, tôi được thăng cấp, từ thiếu úy lên trung úy. Thật tôi sung sướng vô cùng vì cú thăng cấp này. Vì từ đó, lương tôi từ 65 đồng (lương thiếu úy) lên 75 đồng (lương trung úy). Ai đã sống thời đó mới thấu hiểu, thêm được 10 đồng bạc lương mỗi tháng quan trọng như thế nào. Tôi thì quá thấm chuyện túi thường xuyên khô tiền khổ như thế nào. Có lúc đi chơi với người yêu tôi phải xin em 5 xu để uống chén trà vỉa hè.
Chưa kể, khi mình là nhà thơ - trung úy, tôi nhớ ngay tới những nhà văn nhà thơ Liên Xô sau chiến tranh Vệ quốc đã viết được những tác phẩm hay như thế nào, khi họ đều là trung úy Hồng quân. Mười đồng lương thêm khi lên trung úy vừa động viên vật chất, vừa động viên tinh thần là như vậy.
Thì chỉ còn chuyện tập trung vào viết trường ca Những người đi tới biển.
Cuối năm 1976, tôi đã hoàn thành trường ca này. Khi đọc cho "sếp" Nguyễn Chí Trung thẩm định, tôi nhận được cú gật đầu của một nhà văn rất khó tính và kỹ tính. Ông Trung chỉ nói tôi phải sửa một chữ duy nhất. Đó là chữ "rạn" trong câu thơ "Đòn gánh tre chín rạn hai vai", thơ Nguyễn Du, ông Trung nói phải chữ "dạn" mới đúng, "Đòn gánh tre chín dạn hai vai". Tôi đồng ý ngay. Đúng là "sếp" có khác, nói không sai chút nào.
Viết xong trường ca dài hơn 1.200 câu thơ, mừng quá, mời nhà thơ Thu Bồn nghe, có kèm rượu và mồi đưa cay. Anh Thu Bồn nghe trong cảm xúc, khi tôi đọc tới câu thơ: "Xin má cứ nhai trầu cho buổi chiều yên tĩnh/Chưa tắt ngấn cười kia thì trăng khuyết lại tròn", anh Thu Bồn đã bật khóc. Anh nhớ tới mẹ mình, người mẹ đã chờ anh suốt cuộc chiến tranh.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung khi đã "duyệt" xong cái trường ca của tôi, ông đã cho đánh máy và gửi ngay ra nhà xuất bản Quân đội. Lúc bấy giờ, biên tập thơ cho nhà xuất bản này là nhà thơ Tạ Hữu Yên, một người anh từng cùng ở phòng tuyên truyền Binh vận với tôi tại Hà Nội, trước khi tôi đi chiến trường. Anh Yên nhận biên tập ngay. Cùng lúc, nhà văn Nguyên Ngọc đang ở trong Ban lãnh đạo Hội nhà văn VN, anh Ngọc nghe "đồn" về trường ca Những người đi tới biển, anh nói với anh Tạ Hữu Yên cho anh mượn bản thảo để đọc xem thế nào. Hóa ra, khi đọc xong, anh Nguyên Ngọc nói với nhà xuất bản Quân đội phải in ngay trường ca này. Và thế là, từ khi tác phẩm được gửi ra nhà xuất bản tới lúc sách in xong, chỉ trong vòng ba tháng. Đó là kỷ lục "xuất bản nhanh" thời bấy giờ.
Sau Tết Nguyên đán năm 1977, tôi tổ chức cưới vợ tại Hà Nội, và đón tác phẩm đầu tay của mình vừa được in. Hồi đó giấy in xấu, nhưng bìa là của họa sĩ Đinh Cường vẽ. Thật tôi mừng hết lớn.
Bây giờ thì Những người đi tới biển đã ở vào độ tuổi 47. Ba năm nữa, năm 2027, là vừa tròn 50 tuổi.
Đọc lại trường ca đầu tay của mình, tôi cảm thấy cái được nhất của tác phẩm này là sự trong trẻo. Từ 4 câu thơ đầu tiên:
"Khi con thưa với mẹ
mưa bay mờ đồng ta
ngày mai con đi
khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ"
tới 4 câu gần cuối của trường ca:
"lúc em vốc lên bàn tay nước mặn
là em đã gặp cuộc đời anh
dưới mặt trời đang chầm chậm kết tinh
hạt muối nhỏ ngây thơ thuần khiết"
trọn vẹn sự trong trẻo.
5 năm đi và sống ở chiến trường của tôi đã không vô ích. Đó là cái vốn quý nhất của cuộc đời tôi. Cho tới tận bây giờ, khi tôi sắp bước sang tuổi 80.
Bình luận (0)