Trường chuyên không như kỳ vọng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/07/2020 07:11 GMT+7

Những tranh luận về sự tồn tại trường chuyên nổ ra đúng vào thời điểm 'cán đích' sau 10 năm của đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với mức kinh phí được xác định hơn 2.312 tỉ đồng.

Ngày 24.6.2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020. Có rất nhiều mục tiêu cụ thể đặt ra đối với đề án này, cũng là thể hiện kỳ vọng của nhà nước về sự phát triển của mô hình trường chuyên.
Mục tiêu chung của đề án là xây dựng và phát triển các trường THPT chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại. Những ngôi trường này đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện học sinh (HS) có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập để tạo nguồn tiếp tục đào tạo thành nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trường chuyên là hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Nhiều trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia trường thường

Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy một số trường chuyên thuộc các trường ĐH ở Hà Nội, dù mỗi mùa tuyển sinh là niềm khao khát của HS, phụ huynh với tỷ lệ “chọi” vô cùng căng thẳng nhưng cơ sở vật chất còn cũ kỹ, lạc hậu, đa số nằm chung trong khuôn viên với trường ĐH nên diện tích rất khiêm tốn, thiếu sân chơi, bãi tập. Các trường như: THPT chuyên Ngoại ngữ; THPT chuyên Khoa học tự nhiên; THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn; THPT chuyên Sư phạm... đều có cơ sở vật chất rất chật hẹp, chưa thể đáp ứng được yêu cầu so với tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia với một trường phổ thông bình thường chứ chưa nói đến “hiện đại, tiên tiến ngang tầm khu vực” mà đề án hướng tới.

63 tỉnh/thành phố đều có trường chuyên với gần 73.000 học sinh

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến năm 2019, tất cả 63 tỉnh, thành đều đã có trường chuyên. Số HS chuyên năm học 2018 - 2019 là 72.998, tăng 16.736 (chiếm khoảng 2,1% số HS THPT). Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 50% trường chuyên có chất lượng dạy học tương đương với các trường tiên tiến khu vực và quốc tế.
Các trường chuyên hiện nay được đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước và một vài trường nhận được đầu tư nguồn tài trợ trong nước. Trong gần 80 trường chuyên trên cả nước, hết năm 2018 mới có hơn 20 trường được đầu tư xây mới theo hướng đồng bộ, hiện đại với diện tích trung bình 30.000 m2 và có đủ hội trường, nhà tập đa năng, nhà công vụ, nhà ăn, ký túc xá cho HS ở nội trú, sân vận động, hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT đến hết năm 2018 cũng nhìn nhận một trong những hạn chế của trường chuyên hiện nay là việc xây dựng các trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai ở nhiều địa phương.
Một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Vẫn là cuộc đua của luyện thi gian khổ

Đề án phát triển trường chuyên đặt ra mục tiêu về đổi mới phương thức tuyển sinh, thi HS giỏi. Theo đó, phải xây dựng các quy định về tuyển sinh vào trường THPT chuyên theo hướng kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Từng bước áp dụng phương pháp phát hiện năng khiếu, xác định chỉ số thông minh, chỉ số sáng tạo...
Để đánh giá sát hơn năng lực thực tế của HS, tháng 6.2013, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn sử dụng bộ công cụ trắc nghiệm đánh giá chỉ số thông minh IQ, chỉ số xúc cảm EQ, chỉ số vượt khó AQ cho những HS THCS đăng ký dự tuyển vào một số trường chuyên. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các trường THPT chuyên hiện vẫn tuyển sinh theo cách thức truyền thống, đó là dựa vào kỳ thi. Các trường chuyên của địa phương sẽ thi theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, việc kết hợp giữa thi và xét thực chất chỉ là xét học bạ, điểm số học ở cấp THCS để chọn HS đủ điều kiện dự thi vào trường chuyên. Với các trường THPT chuyên trực thuộc trường ĐH thì cách thức tuyển sinh sẽ do các trường ĐH quyết định nhưng hầu hết vẫn là những bài thi với đề thi rất khó, đòi hỏi phải luyện thi, luyện giải bài tập theo dạng đề vô cùng gian khổ.
Ngoài một số rất ít HS có tư chất, tự học và có thể đỗ được vào các trường THPT chuyên danh tiếng thì hầu hết số còn lại đều phải trải qua những năm luyện thi cực kỳ vất vả và cả tốn kém.

Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, niềm mơ ước của nhiều thế hệ học sinh

Gia Hân

Học chuyên rồi... du học

Một mục tiêu khác rất quan trọng của đề án phát triển trường chuyên là tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục trong các trường chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Đến năm 2020, có ít nhất 70% HS được xếp loại học lực giỏi; 90% HS giỏi, khá về tin học; 50% HS đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành...
Ngoài ra, tạo sự liên thông giữa việc phát hiện, bồi dưỡng HS năng khiếu ở trường chuyên với việc đào tạo ở ĐH. Theo đó, sẽ lựa chọn những HS có năng khiếu nổi bật vào học các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường ĐH chất lượng cao trong nước và các trường ĐH có uy tín ở nước ngoài. Đến năm 2015, có khoảng 30% HS các lớp chuyên đã tốt nghiệp được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường ĐH trong nước và các trường ĐH có uy tín ở nước ngoài, đạt 50% vào năm 2020. Đồng thời, đến năm 2020, mỗi trường chuyên hợp tác được với ít nhất một cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực, quốc tế...
Tuy nhiên, nội dung về chất lượng đào tạo của trường chuyên chưa được đề cập trong báo cáo sau 8 năm thực hiện đề án phát triển trường chuyên của Bộ GD-ĐT.
Ghi nhận cho thấy thực tế số HS trường chuyên mỗi năm ra trường lên tới 50.000 - 70.000 thì số vào hệ cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao ở các cơ sở đào tạo chỉ ở mức khiêm tốn. Ở các trường THPT chuyên, đặc biệt là ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hiệu trưởng các trường đều thừa nhận đến lớp 11 là HS đã đi du học rất nhiều. Đến năm lớp 12 thì nhiều lớp chuyên “rỗng” HS vì làn sóng du học từ phổ thông khi các em tìm kiếm được những học bổng du học hấp dẫn từ các trường danh tiếng ở nước ngoài. Việc mỗi năm có ít nhất 20 - 30% HS của các trường THPT chuyên danh tiếng đi du học là thực tế đang diễn ra.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.