Chủ động hơn, đi kèm với trách nhiệm cao hơn
Phóng viên Báo Thanh Niên trao đổi với thầy Nguyễn Văn Đại Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồ Văn Thanh (hiện đã nghỉ hưu), Q.12, TP.HCM.
Thầy Đại Thanh cho biết Chương trình GDPT 2018 với nhiều bộ sách giáo khoa. Khi được trả lại quyền lựa chọn sách giáo khoa về các nhà trường thì cái hay ở đây chính là hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm nhà trường, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh… là người hiểu, nắm được hết những đặc thù của học sinh, phụ huynh địa phương mình từ đó sẽ có sự lựa chọn được bộ sách phù hợp cho học sinh, với con em phụ huynh tại nơi đó.
"Nên giao lại quyền chọn lựa sách giáo khoa về cơ sở, tôi ủng hộ việc nhà trường được chọn lựa sách cho học sinh của mình. Điều này sẽ có thêm sự đồng tình của phụ huynh, giúp cho việc giáo dục trẻ em được đồng thuận hơn. Nên để cho các cơ sở có sự lựa chọn sách giáo khoa và cần tôn trọng sự lựa chọn bộ sách giáo khoa đó, dựa trên việc diễn giải, phân tích các lý do vì sao chọn lựa bộ sách giáo khoa đó", thầy Thanh nói.
Giáo viên chủ nhiệm tại một trường tiểu học tại Q.3, TP.HCM cho biết, về việc lựa chọn sách giáo khoa thì trong các năm học qua vẫn đưa ý kiến về để các trường chọn, nhận xét. Sau đó, các ý kiến từ phía giáo viên tiểu học trong trường được đưa về phòng giáo dục, rồi mới đi đến quyết định về bộ sách được chọn.
Theo giáo viên tiểu học trên, với việc trao lại quyền chọn lựa sách giáo khoa cho các trường, thì quyền quyết định của ban giám hiệu các trường và ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ chủ động hơn, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với sách giáo khoa chương trình mới. Đặc biệt, sách giáo khoa được chọn sẽ phù hợp với đặc thù của học sinh từng địa phương trong bối cảnh hiện nay nhiều bộ sách giáo khoa đang được lưu hành cùng lúc.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết việc các trường được quyền lựa chọn sách giáo khoa thì mặt tích cực sẽ giúp các trường chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung.
Song, hiệu trưởng này băn khoăn: "Nếu để các trường thực hiện sẽ khó khăn về chuyên môn khi chọn sách, về thông tin tài liệu, giá cả… Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm sau cùng về việc lựa chọn sách giáo khoa, khá căng thẳng. Do vậy cần phải hướng dẫn và tập huấn rất kỹ, thực hiện bài bản", hiệu trưởng này chia sẻ.
Đặc thù của giáo viên tiểu học là dạy nhiều môn, trừ một số môn như âm nhạc, giáo dục thể chất, tiếng Anh… có giáo viên bộ môn. Do vậy, thay vì mỗi giáo viên bậc THCS, THPT chỉ thẩm định sách giáo khoa từng môn (toán, hay ngữ văn, vật lý), giáo viên tiểu học sẽ nghiên cứu, thẩm định, nhận xét nhiều cuốn sách giáo khoa từ toán, tiếng Việt, đạo đức tự nhiên xã hội, lịch sử và địa lý, hoạt động trải nghiệm….
Do đó, cũng có giáo viên tiểu học tại TP.HCM băn khoăn nếu giáo viên tham gia đọc, nhận xét, thẩm định sách giáo khoa nhiều môn như thế thì liệu rằng có dàn trải, giảm hiệu quả hay không.
Làm sao để minh bạch?
Vấn đề minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa được bạn đọc Báo Thanh Niên quan tâm. Khi trả quyền lựa chọn sách giáo khoa về các trường thì làm sao để hội đồng lựa chọn sách giáo khoa công tâm, bài bản, minh bạch, vì người học?
Chúng tôi nêu vấn đề trên tới một giáo viên tiểu học phụ trách công tác chủ nhiệm tại TP.HCM. Giáo viên này đề xuất để tăng thêm tính khách quan, minh bạch, khi thực hiện việc xét chọn sách giáo khoa ở từng đơn vị thì nên có sự tham gia của một cán bộ, nhân viên của phòng GD-ĐT trong buổi họp. Đồng thời, các cấp có thẩm quyền như UBND phường, quận cũng có thể cùng hỗ trợ công tác xét chọn sách giáo khoa chung với nhà trường.
Thầy Nguyễn Văn Đại Thanh cho biết theo kinh nghiệm lần chọn sách giáo khoa năm 2020, trong quá trình hướng dẫn chọn sách giáo khoa, Sở GD-ĐT TP.HCM, Bộ GD-ĐT cũng sẽ đưa ra những tiêu chí rất cụ thể để các cơ sở căn cứ vào đó để lựa chọn sách. Để khách quan, đa chiều, nhà trường cũng chuyển tới các phụ huynh tham khảo các tiêu chí này để có thể cùng tham gia với nhà trường, nhận xét ưu khuyết điểm của từng bộ sách giáo khoa.
"Việc lựa chọn một bộ sách giáo khoa phải căn cứ trên các tiêu chí cụ thể rõ ràng mà sở, Bộ GD-ĐT đưa ra chứ không chỉ dựa vào cảm tính. Quá trình chọn lựa sách có sự tham gia của tất cả các giáo viên trong trường", thầy Đại Thanh cho hay.
Dự thảo của Bộ GD-ĐT về nhà trường lựa chọn sách giáo khoa như thế nào?
Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT về lựa chọn sách giáo khoa, mỗi trường thành lập 1 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (gọi chung là tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện ban cha mẹ học sinh.
Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người.
Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu trường danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu.
Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng. Bên cạnh đó, chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)