Trường đại học công lập mất người giỏi vì không thể trả lương trăm triệu đồng/tháng

Quý Hiên
Quý Hiên
19/03/2019 18:50 GMT+7

Một trường đại học công lập uy tín nhất nước đã bị “chảy máu chất xám” với khoảng chục cán bộ rất xuất sắc, vì bị vướng chính sách cũng như không có tiền để trả lương cả trăm triệu đồng/tháng cho người giỏi .

Hôm nay, tại hội thảo khoa học về tự chủ đại học do Kiểm toán Nhà nước tổ chức, PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết trong năm qua, riêng Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã bị “kéo đi” khoảng chục cán bộ vào diện rất xuất sắc do không thể trả lương cao hàng trăm triệu đồng cho họ.
“Tuy nhiên, đây là một cuộc chơi và chúng ta cũng không thể đứng ngoài. Cách duy nhất mà ta có thể làm để giữ lại cán bộ là phải có chính sách (đãi ngộ người tài - PV), nhưng mà các trường công lập không thể làm được, vì chúng tôi không thể trả được lương 100 - 150 triệu đồng/tháng. Bởi xin thưa, có những người (ở Trường đại học Bách khoa Hà Nội - PV) đã ra đi với mức lương được hứa từ 80 - 150 triệu. Rõ ràng cơ chế này là một vấn đề không nhỏ với chúng ta”, PGS Tớp nói.
Theo GS Tớp, Bách khoa Hà Nội là một trong số 23 trường trong thời gian qua thực hiện thí điểm tự chủ, các nguồn thu của trường rất hạn hẹp, nguồn hỗ trợ của nhà nước thì rất thiếu, nên mức thu nhập của cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, còn thấp so với nhiều cơ quan, doanh nghiệp bên ngoài. Vì thế mà chưa tạo động lực mạnh cho cán bộ chuyên tâm với công việc giảng dạy và nghiên cứu cũng như thu hút cán bộ trẻ giỏi về trường làm việc.
Cùng quan điểm, đại diện Trường đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng, luật Viên chức đã ràng buộc các trường không thể trả lương xứng đáng với những giảng viên, chuyên viên giỏi; đồng thời lại khiến các trường rất khó khăn để loại bỏ những người không có năng lực; làm hạn chế những trường hợp mời chuyên gia và cộng sự giỏi.
Vị này đề xuất: “Sau khi được tự chủ tài chính, nhà trường phải được quyết định mức thu nhập của cán bộ theo mức độ đóng góp của cán bộ, không bị lệ thuộc vào quy định của cấp quản lý khác, trừ việc đóng thuế thu nhập theo pháp luật. Các trường phải có quyền quyết định các chính sách khen thưởng, phúc lợi theo đặc thù riêng của từng trường, giải quyết chế độ chính sách cho giảng viên theo cách tính như doanh nghiệp chứ không phải tính theo hệ số lương như của đơn vị sự nghiệp”.
"Thu nhập của phần đa giảng viên đại học (đặc biệt là giảng viên trẻ) còn thấp, chưa tạo động lực tốt thúc đẩy nâng cao trình độ chuyên môn. Theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục đại học công lập chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do nhà nước quy định.
Cơ chế tiền lương hiện mang tính cào bằng là chủ yếu. Giới hạn trần học phí cũng là nút thắt khiến các trường đại học không có đủ nguồn tài chính để cải thiện thu nhập cho giảng viên, không tạo được sự hấp dẫn để thu hút và giữ chân những giảng viên có trình độ. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tuyển sinh của các trường đại học do không nâng cao được chất lượng giáo dục (xét trên khía cạnh trình độ, năng lực của giảng viên) để thu hút nhiều học sinh tham gia ứng tuyển".
TS Nguyễn Hữu Hiểu, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.