(TNO) Sáng nay 15.8, tại hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng năm 2014 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tính nghiêm túc của kỳ thi “2 trong 1” nếu tổ chức ở địa phương.
>> Bộ GD-ĐT phân tích về 3 phương án cho một kỳ thi chung
>> Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố 3 phương án cho một kỳ thi chung
>> Một kỳ thi quốc gia: Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình đề án
>> Một kỳ thi quốc gia: Không thể là ‘dấu cộng’ của hai kỳ thi
|
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thẳng thắn cho rằng vấn đề gay gắt mà các trường đại học đặt ra với kỳ thi chung đó là liệu việc tổ chức thi tại địa phương, các trường đại học, cao đẳng có yên tâm sử dụng kết quả hay không? "Chắc chắn, trường tôi và nhiều trường sẽ phải tiếp tục tiến hành đánh giá riêng để yên tâm hơn với chất lượng đầu vào. Đây cũng là một điều đáng phải suy ngẫm thêm”, ông Sơn nói.
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường đại học Thăng Long cho rằng hiện nay và có lẽ trong vài năm tới, các trường đại học, cao đẳng vẫn chưa thực sự tin tưởng vào kỳ thi THPT tổ chức ở địa phương, dù kỳ thi này có huy động lực lượng giảng viên các trường đại học, cao đẳng tham gia.
Vì vậy, ông Phú đề xuất nếu tổ chức kỳ thi “2 trong 1” này ở địa phương thì nhiều trường đại học sẽ phải tổ chức thi tuyển bổ sung, từ đó làm khó cho thí sinh và tốn kém.
"Phương án chúng tôi đề xuất cơ bản vẫn là đề thi chung và kết quả thi làm 2 mục đích. Điểm khác biệt là các trường đại học sẽ đảm nhận chính vai trò coi thi và chấm thi. Khó khăn với phương án này là các trường phải tổ chức thi trong 1 đợt với số lượng thí sinh rất đông, nhưng khó khăn này có thể khắc phục được. Nhưng trước khi thi, các thí sinh phải đăng ký vào trường đại học trước, điều này khác so với dự thảo. Thí sinh nào không muốn vào đại học, cao đẳng sẽ tham gia thi tại địa phương", ông Phú nói.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại khi cho rằng việc xác định phương án thi môn nào trong dự thảo phương án thi THPT Quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo không khó khăn lắm. Nhưng vấn đề làm các trường đại học lo lắng đó là tổ chức thi như thế nào để có được kết quả đáng tin cậy, sử dụng được chứ không chỉ như một kỳ thi tốt nghiệp THPT thông thường. Với những trường khối Y Dược, những năm gần đây, tuyển sinh đầu vào rất nóng. Thực tế cho thấy, ngay trong một trường mà mức điểm các ngành khác nhau cũng đã cho thấy chất lượng học đã thấy rất khác nhau rồi.
Từ lý do đó, ông Tú cho hay sắp tới khi mà việc tổ chức thi còn phải “rút kinh nghiệm” thì khối các trường Y sẽ đề xuất có thêm một kỳ thi bổ sung để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Chia sẻ những băn khoăn này của các trường đại học vì giáo dục phổ thông còn những yếu kém, khuyết điểm nhất định, nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng dư luận đâu đó có thể nói không tin vào kỳ thi phổ thông nhưng chúng ta không nên nói như vậy.
Ông Luận đề nghị cần thận trọng, công bằng và phải đặt niềm tin vào ngành giáo dục ở các địa phương, những người trực tiếp làm nhiệm vụ như những người lính đang chiến đấu ở chiến hào.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)