Trường đại học sẽ có nhiều quyền hơn

21/11/2018 08:15 GMT+7

Sau nhiều góp ý chỉnh sửa, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH đã được Quốc hội thông qua khá nhiều điểm mới mà theo đánh giá của các nhà chuyên môn là tăng cường tự chủ của các trường ĐH. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần tiếp tục bổ sung trong quá trình phát triển.

Cởi trói để các trường phát triển
PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng luật Giáo dục ĐH sửa đổi được thông qua đã “cởi trói” nhiều cho các trường trong việc thực hiện tự chủ. Việc giao quyền này không chỉ về mặt tổ chức, học thuật, tài chính mà đặc biệt còn đối với các trường tư thục. “Đó là quan điểm rất mở của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, phù hợp với xu thế phát triển ĐH của các nước trên thế giới. Qua đó tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các trường”, ông Hải nhấn mạnh. Tuy nhiên theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, luật được thông qua nhưng còn phải điều chỉnh một số văn bản khác để có thể thực hiện quyền tự chủ, nhất là về tài chính. Các văn bản dưới luật khác cần được điều chỉnh kịp thời để luật được sớm triển khai.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng nhận thấy điểm mới nhất trong luật này là sự cởi trói cho các trường phát triển. “Nếu như Nghị quyết 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017 của Chính phủ trước đây chỉ áp dụng thử nghiệm với một số trường thì luật này trao quyền tự chủ cho tất cả các trường và trong mọi mặt”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên theo ông Dũng, quyền tự chủ cần giao mạnh hơn nữa cho các trường ĐH vì so với nhiều trường ĐH trên thế giới, ở ta quyền này vẫn còn hạn chế. “Ở Hàn Quốc, các trường ĐH công lập hoàn toàn có thể biến thành một tập đoàn, có quyền hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài để phát triển kinh tế. Từ lợi nhuận thu được, trường quay lại hỗ trợ người học bằng cách giảm học phí và chính sách học bổng. Còn như cách làm hiện nay của chúng ta, với những rào cản hiện có, gánh nặng học phí vẫn đang dồn lên vai người học”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đó là quan điểm rất mở của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, phù hợp với xu thế phát triển ĐH của các nước trên thế giới. Qua đó tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các trường

PGS-TS Trần Hoàng Hải (Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM)

Tạo cơ chế để cạnh tranh
Một điểm rất đáng quan tâm ở luật Giáo dục ĐH là cho phép các trường ĐH nhỏ tự sáp nhập với nhau để tăng sự cạnh tranh. Cụ thể, theo luật này sẽ gồm hai mô hình là trường ĐH và ĐH. Trong đó, ĐH được hình thành trên cơ sở sáp nhập một số trường ĐH đang tồn tại hoặc từ một trường ĐH tự lớn mạnh và hình thành các trường trực thuộc bên trong.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nhiều trường ĐH của chúng ta hiện đang phát triển theo hướng đơn ngành. Trong khi yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi đa ngành, thậm chí tích hợp liên ngành. Vì vậy quy định này sẽ hỗ trợ các trường đi theo đúng xu hướng thời đại. “Tất nhiên dù luật cho phép nhưng để thực thi sẽ gặp rất nhiều rào cản. Để giải quyết bài toán phát triển ĐH hiện nay, việc đầu tiên cần làm là giải bài toán hệ thống. Cần mạnh dạn ghép, sáp nhập các trường và đơn ngành thành các ĐH lớn để tăng nguồn lực phát triển”, ông Dũng đề đạt.
Còn nhiều luật khác chi phối khi thực hiện tự chủ
Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH, Viện Khoa học giáo dục VN, một thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021, cho biết luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã có một số điểm mới tiến bộ. Quy định về tự chủ ĐH đã phát huy đến tối đa. Tuy nhiên, xét chung thì hiện tại việc tự chủ ĐH vẫn đang bị khống chế bởi rất nhiều luật khác mà có chỗ còn làm hạn chế tác dụng của tự chủ ĐH.
“Thật ra ĐH tư thục cũng đang vướng ở vấn đề các trường này có thật sự là một doanh nghiệp hay chỉ là “đơn vị” hoạt động theo cơ chế thị trường. Chuyện trường ĐH lợi nhuận hay không vì lợi nhuận thực chất phản ánh câu chuyện trường ĐH tư có là doanh nghiệp hay không. Nhà nước vẫn cần xác định đúng vị trí của trường tư trong hệ thống giáo dục và nền kinh tế”, tiến sĩ Phương nhận xét.
Tiến sĩ Phạm Đình Minh, Chủ tịch Hội Chuyên gia VN tại Đài Loan, đánh giá: “Trong mấy năm vừa qua, Bộ GD-ĐT hạn chế thành lập các ĐH mới. Với luật Giáo dục ĐH sửa đổi này thì thời gian tới sẽ có nhiều ĐH “con” được thành lập. Chúng ta cần phải có kiểm định rất rõ ràng để đánh giá chất lượng của các trường ĐH”.
Trường không kiểm định là không được tự chủ
Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021, sau khi Quốc hội thông qua luật và bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 7.2019, cần bàn cách triển khai những nội dung mới như thế nào. Chẳng hạn, phải kiểm định tất cả các chương trình đào tạo. Thời gian vừa qua, đa số các trường kiểm định tổ chức trong nước theo trường chứ không phải theo ngành. Sắp tới phải đẩy mạnh kiểm định từng ngành. Nếu không kiểm định là dừng tuyển sinh. Trường không kiểm định là không được tự chủ, ngành không được kiểm định là dừng tuyển sinh. Đây là vấn đề quan trọng nhất, cần được thực hiện tốt và thực hiện nhanh. “Về tự chủ ĐH cũng có những điểm mới, trong đó quy định khá ổn đối với trường tư. Đó là tự chủ mở ngành, tuyển sinh, liên kết. Những quy định này sẽ giúp trường tư phát triển tốt hơn” ông Tùng cho biết.
Một số điểm mới đáng chú ý
- Quy định cụ thể về cơ sở giáo dục ĐH tư thục không vì lợi nhuận. Cụ thể là cơ sở mà nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi nhận trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục ĐH; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ĐH.
- Quy định chi tiết về hội đồng trường, trong đó chủ tịch hội đồng trường không yêu cầu phải có trình độ tiến sĩ; chỉ cần có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, uy tín, kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH, đủ sức khỏe và độ tuổi theo quy định pháp luật.
- Cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định pháp luật về học thuật, tổ chức nhân sự, tài chính và tài sản...
- Cơ sở giáo dục ĐH được mở ngành đào tạo các trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ theo quy định chi tiết (trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh).
- Không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Có các hình thức đào tạo gồm chính quy tập trung và không tập trung.
- Không quy định cứng nhắc mô hình ĐH 2 cấp. Luật quy định hai mô hình là trường ĐH và ĐH, trong đó ĐH được hình thành trên cơ sở sáp nhập một số trường ĐH đang tồn tại hoặc từ một trường ĐH tự lớn mạnh và hình thành các trường trực thuộc bên trong.
- Quy định các môn môn lý luận chính trị, lịch sử dân tộc trong chương trình đào tạo các chương trình liên kết đào tạo trình độ giáo dục ĐH được thực hiện tại VN, do cơ sở giáo dục ĐH VN cấp bằng hoặc cùng cấp bằng.
H.A (tổng hợp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.