Ngày 7.4, Trường ĐH Fulbright Việt Nam đã ký kết hợp tác với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và chính thức thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại trường này. Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Fulbright dưới sự quản lý và dẫn dắt của tiến sĩ Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm và giảng viên Khoa Nghiên cứu Việt Nam.
Phối cảnh Trường ĐH Fulbright Việt Nam đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao TP.HCM |
FUV |
Thỏa thuận ký kết ban đầu sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm. Trường ĐH Fulbright Việt Nam và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ kết hợp tổ chức các hoạt động hội thảo học thuật, trưng bày, triển lãm, số hóa và xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu để công bố, giới thiệu di sản văn hóa, di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ, hiện vật tiêu biểu của Việt Nam. Thông qua các hoạt động quảng bá này để giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước những hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử Việt Nam đồng thời, góp phần thiết thực giáo dục thế hệ trẻ, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước cũng như ý thức, trách nhiệm trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản tư liệu, văn hóa.
Tiến sĩ Nora Taylor, Hiệu trưởng lâm thời Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho biết: “Là một trường đại học hoạt động theo mô hình giáo dục khai phóng của Mỹ nhưng bắt rễ sâu sắc vào xã hội Việt Nam, Fulbright có sứ mệnh tái định nghĩa lại nghiên cứu Việt Nam. Bắt đầu từ chuyên ngành Việt Nam học, và nay với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Fulbright cam kết trở thành mũi nhọn trong mạng lưới các chuyên gia nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước, là nơi ươm dưỡng các nghiên cứu, hoạt động dạy và học lấy Việt Nam làm trung tâm,” tiến sĩ Nora Taylor nhấn mạnh.
Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4.2022 với sự hỗ trợ ban đầu của Quỹ Hùng Võ nhằm duy trì và quảng bá các giá trị quý giá của văn hóa Việt Nam.
Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam sẽ là đơn vị phối hợp trực tiếp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước theo khuôn khổ biên bản ghi nhớ, với các dự án quan trọng trong năm 2022 như hội thảo và triển lãm Đông Kinh Nghĩa Thục, xây dựng nguyên mẫu (prototype) chuẩn bị cho việc thiết lập hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System, GIS) của Sài Gòn qua các giai đoạn lịch sử dựa trên tư liệu lưu trữ, hay bản đồ hoá hệ thống sổ bộ Hán – Nôm Nam kỳ (1819-1918).
Bình luận (0)