Trường ĐH Luật Hà Nội nói về bằng tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang

Quý Hiên
Quý Hiên
25/06/2024 19:06 GMT+7

Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định, trường hợp ông Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, trúng tuyển nghiên cứu sinh và được cấp bằng tiến sĩ là đúng pháp luật.

Văn bằng 1 của thượng tọa Thích Chân Quang là cử nhân tiếng Anh

Cuối giờ chiều nay, 25.6, Trường ĐH Luật Hà Nội đã gửi thông cáo báo chí tới các cơ quan truyền thông, thông báo về quá trình đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, người gây ồn ào trong dư luận xã hội về việc lấy bằng tiến sĩ trong vòng 2 năm trong khi trước đó chỉ có bằng đại học tại chức ngành luật.

Trường ĐH Luật Hà Nội nói về bằng tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang- Ảnh 1.

Thượng tọa Thích Chân Quang trong lễ nhận bằng tốt nghiệp tại Trường ĐH Luật Hà Nội

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Theo thông cáo, ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959, trúng tuyển văn bằng 2 khóa 1 trình độ đại học luật, hình thức vừa học vừa làm của Trường ĐH Luật Hà Nội mở tại Trường cao đẳng Bách Việt, TP.HCM, vào tháng 1.2017, tốt nghiệp tháng 1.2019. Văn bằng 1 của ông Vương Tấn Việt là tốt nghiệp ĐH ngành tiếng Anh năm 2001 tại Trường ĐH Ngoại ngữ, nay là Trường ĐH Hà Nội.

Sau đó, tháng 11.2019 ông Vương Tấn Việt trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019 - 2023); tháng 12.2021 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường tại Trường ĐH Luật Hà Nội; tháng 3.2022 được cấp bằng tiến sĩ ngành luật hiến pháp - hành chính.

Trường ĐH Luật Hà Nội nói về bằng tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang

Đầu vào: Cử nhân luật loại giỏi, có một báo cáo hội thảo quốc tế

Trong thông cáo, Trường ĐH Luật Hà Nội nêu cụ thể các căn cứ pháp lý áp dụng cho quá trình đào tạo đối với học viên Vương Tấn Việt: căn cứ tuyển sinh; đối tượng và điều kiện dự tuyển; xét tuyển và trúng tuyển; tiến trình đào tạo; thời gian đào tạo.

Về đối tượng và điều kiện dự tuyển, trường hợp ông Vương Tấn Việt thỏa mãn các yêu cầu mà Bộ GD-ĐT cũng như của Trường ĐH Luật Hà Nội quy định.

Theo đó, khoản 1 điều 5 Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT về điều kiện dự tuyển đào tạo tiến sĩ có quy định sau: "Người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện sau: có bằng tốt nghiệp ĐH loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ…". Trước khi tuyển sinh nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019, Trường ĐH Luật Hà Nội đã thông báo tuyển sinh, với điều kiện dự tuyển phù hợp với quy định của Thông tư 08.

Trường ĐH Luật Hà Nội nói về bằng tiến sĩ của thượng tọa Thích Chân Quang- Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Chân Quang (giữa) trong lễ nhận bằng tiến sĩ của Trường ĐH Luật Hà Nội cấp

TƯ LIỆU

Ông Vương Tấn Việt tốt nghiệp cử nhân luật loại giỏi, vì thế ông Vương Tấn Việt phù hợp với đối tượng và điều kiện dự tuyển nghiên cứu sinh Trường ĐH Luật Hà Nội.

Ngoài ra, Thông tư 08 cũng quy định người dự tuyển nghiên cứu sinh là tác giả của một bài báo hoặc báo cáo khoa học liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời gian 3 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Thông tư 08 cũng yêu cầu người dự tuyển có văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ, văn bằng được xem đủ điều kiện làm minh chứng là bằng tốt nghiệp ĐH các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp.

Ông Vương Tấn Việt thỏa mãn cả 2 điều kiện trên trước khi trúng tuyển nghiên cứu sinh Trường ĐH Luật Hà Nội: có bằng tốt nghiệp ĐH ngành tiếng Anh; là tác giả một báo cáo khoa học in trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có phản biện năm 2017.

Đầu ra: Công bố hai báo cáo trong hội thảo quốc tế

Trong tiến trình đào tạo, từ tháng 12.2019 - tháng 6.2021, ông Vương Tấn Việt đã hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, gồm 43 tín chỉ các học phần thuộc ngành, chuyên ngành trên tổng số 60 tín chỉ (ông Vương Tấn Việt được miễn luận văn 12 tín chỉ và ngoại ngữ 5 tín chỉ, theo quy định trong Thông tư 08).

Từ năm 2020 - 2021, ông Vương Tấn Việt đã hoàn thành 7 học phần của chương trình đào tạo tiến sĩ.

Khi đánh giá chuyên đề tiến sĩ và bảo vệ luận án tiến sĩ, Trường ĐH Luật Hà Nội nhận thấy ông Vương Tấn Việt đã thỏa mãn các yêu cầu sau: hoàn thành các phần học bổ sung, các học phần ở trình độ tiến sĩ; đã công bố 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện; được tập thể hoặc người hướng dẫn nghiên cứu sinh đồng ý cho đăng ký luận án ở đơn vị chuyên môn; đã hoàn thành bảo vệ chuyên đề tổng quan, 3 chuyên đề luận án…

Xét nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo, đã nộp luận án vào thư viện Trường ĐH Luật Hà Nội và Thư viện Quốc gia, Trường ĐH Luật Hà Nội đã cấp bằng tiến sĩ cho ông Vương Tấn Việt.

Bộ GD-ĐT quy định cho phép rút ngắn thời gian đào tạo

Về thời gian đào tạo,Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, tổng thời gian đào tạo tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, (kể từ khi được công nhận nghiên cứu sinh, tháng 12.2019, đến khi có quyết định công nhận học và cấp bằng tiến sĩ, tháng 3.2022) là 2 năm 3 tháng. Lượng thời gian này đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ được ban hành trong Thông tư 08 cũng như đúng với quy định của Trường ĐH Luật Hà Nội.

Cụ thể, điểm b khoản 2 điều 9 Thông tư 08 quy định: "Trong trường hợp đặc biệt, nghiên cứu sinh được rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập…". Điểm c cũng của khoản 2 điều 9 Thông tư 08 quy định: "Thủ trưởng cơ sở đào tạo xem xét, quyết định cho phép nghiên cứu sinh được rút ngắn thời gian học tập nếu nghiên cứu sinh hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo…".

Theo Trường ĐH Luật Hà Nội, ngày 3.10.2021 ông Vương Tấn Việt đã có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo, đơn đã được hội đồng bảo vệ luận án cấp trường và được nhà trường đồng ý.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.