Hầu hết những vấn đề liên quan đến giáo dục từ vi mô đến vĩ mô đều đã được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong buổi đối thoại trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 7.3.
Chúng tôi xin trích dẫn sau đây những vấn đề cốt yếu, nhiều người quan tâm, trông ngóng.
|
Con người là trung tâm của đổi mới
Bộ trưởng cho biết trong năm 2012, Bộ đồng thời triển khai 2 khối công việc: tiếp tục đổi mới quản lý đào tạo giáo dục và chuẩn bị kế hoạch chiến lược cho giai đoạn sau 2012, 2015.
Về đổi mới quản lý giáo dục đào tạo, với khối phổ thông và mầm non, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn với giáo viên, giảm tải chương trình phổ thông. Tập trung triển khai phổ cập mầm non 5 tuổi, chú ý vùng sâu, xa, các đối tượng cần quan tâm. Với giáo dục ĐH, tiếp tục phân cấp quản lý nhà nước, tăng cường thanh kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm. Hiện chúng tôi đã cho triển khai đợt thanh kiểm tra mới với 80 trường. Tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước với các cơ sở có liên kết với nước ngoài, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Về chiến lược dài hạn, hoàn tất chiến lược phát triển giáo dục đào tạo đến 2020, trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến và sẽ bàn trong hội nghị của Ủy ban Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực trong tuần này; Cùng với cơ quan của Quốc hội hoàn thiện Dự thảo luật Giáo dục ĐH; Cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan khác chuẩn bị đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 6. Trong đó, triển khai đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015.
Như vậy, yếu tố con người, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên là đối tượng trung tâm.
Tự chủ đến đâu?
Trả lời câu hỏi của ông Trần Thái Bình (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) về việc Bộ chưa đủ nhân lực để kiểm tra chất lượng giáo dục ở các trường ĐH cũng như “thả nổi” cho các trường tự chủ toàn diện về tài chính cũng như công tác nhân sự, chuyên môn...,
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Hiện, các trường số lượng thầy cô còn ít, năng lực hạn chế không được tự thẩm định chương trình giảng dạy mà phải mang tới các trường có đội ngũ cán bộ tốt, bề dày kinh nghiệm tốt do chúng tôi chỉ định. Toàn bộ việc mở ngành tại các trường này Bộ vẫn quyết định.
Còn về kiểm định, chúng tôi đã có các văn bản yêu cầu các trường tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cũng đã ban hành các văn bản nhưng chưa đủ, sắp tới sẽ tiếp tục hoàn thiện. Dự thảo luật Giáo dục ĐH có nội dung đưa kiểm định chất lượng giáo dục trở thành yêu cầu bắt buộc với các trường ĐH”.
Nghiêm cấm hội cha mẹ học sinh thu tiền
Bà Ngô Thanh Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) yêu cầu bộ trưởng nêu các giải pháp chấm dứt tình trạng lạm thu gây bức xúc cho phụ huynh. Ông Phạm Vũ Luận cho biết: “Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã vào cuộc, có giải pháp cụ thể. Về phía Bộ, chúng tôi đã ban hành điều chỉnh điều lệ của hội cha mẹ học sinh. Trong đó quy định, nghiêm cấm việc hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền lo việc trang thiết bị cơ sở vật chất cho nhà trường, lo việc thưởng, bồi dưỡng các thầy cô giáo.
Các phụ huynh học sinh nào có tấm lòng, điều kiện hỗ trợ giúp đỡ nhà trường, các bậc phụ huynh ấy tự mình tới gặp ban giám hiệu, phòng tài vụ ủng hộ, nghiêm cấm việc hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền dưới hình thức vận động nhưng lại là tự nguyện một cách bắt buộc.
Thùy Ngân
Bình luận (0)