Ngày 29.12, Bộ GD-ĐT có quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Trung HSK giữa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Công ty TNHH Công nghệ giáo dục quốc tế khảo thí Hán Ngữ (Bắc Kinh, Trung Quốc). Thời hạn hoạt động liên kết tổ chức thi là 5 năm từ ngày ban hành quyết định.
Theo quyết định này, người có nhu cầu thi cấp chứng chỉ tiếng Trung HSK sẽ dự thi tại trụ sở chính của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (Q.5, TP.HCM). Chứng chỉ được cấp là HSK Examination Score Report.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết sau 3 tháng tạm ngưng, đợt thi đầu tiên sẽ được tổ chức trở lại, dự kiến vào ngày 9 và 10.1.2023.
Quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Trung HSK tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM |
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH |
Bộ GD-ĐT cũng đã có quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Trung HSK giữa Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương) và Công ty TNHH Công nghệ giáo dục quốc tế khảo thí Hán ngữ (Bắc Kinh). Đây là đơn vị tổ chức thi chứng chỉ tiếng Trung HSK đầu tiên được cấp phép thi trở lại sau 3 tháng hoãn.
Trước đó, liên quan đến Thông tư 11 của Bộ GD-ĐT, việc đột ngột hoãn thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không chỉ diễn ra với chứng chỉ tiếng Anh mà còn cả ngoại ngữ khác. Từ ngày 28.10, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã có thông báo tạm ngưng tổ chức kỳ thi chứng chỉ tiếng Trung HSK, HSKK (theo lịch thi dự kiến tháng 11 và 12 năm nay).
Hiện Việt Nam có 7 điểm tổ chức thi chứng chỉ HSK được phía Trung Quốc ủy quyền, gồm: Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế), Viện Khổng Tử (Trường ĐH Hà Nội), Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương), Trường Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên), Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
HSK là một kỳ thi tiêu chuẩn hóa năng lực Hán ngữ quốc tế do Trung tâm Hợp tác giao lưu ngôn ngữ giữa Trung Quốc và nước ngoài trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức thực hiện. Mục tiêu của kỳ thi là đánh giá năng lực vận dụng tiếng Trung Quốc trong giao tiếp, sinh hoạt, học tập và công việc của thí sinh sử dụng tiếng Trung Quốc như một ngoại ngữ.
Bình luận (0)