Trường học hạnh phúc từ thay đổi nhỏ

Bích Thanh
Bích Thanh
12/10/2022 08:13 GMT+7

Giáo viên chủ động rút ngắn khoảng cách với học sinh để tạo sự gắn kết một cách tự nhiên, nhẹ nhàng nhằm hướng đến một môi trường giáo dục hạnh phúc.

Môi trường học tập thân thiện

Xuất phát từ tâm lý lứa tuổi, học sinh (HS) trung học bắt đầu bước vào giai đoạn muốn được khẳng định mình, muốn được giao lưu, chia sẻ và kết nối nên nhiều giáo viên (GV) cho rằng cần tạo cho HS một môi trường học tập thân thiện, hòa đồng, an toàn và rút ngắn dần khoảng cách giữa thầy với trò.

Thế nên, GV Hoàng Thị Vinh, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cô giáo khiến HS thích thú trên mạng xã hội khi đá cầu cùng học trò trong giờ ra chơi, bày tỏ: “Không muốn xây dựng cho mình một hình mẫu “ông thầy, bà cô” nghiêm nghị mà thay vào đó là một người thầy mà HS có thể chia sẻ, yêu thương”. Theo cô Vinh, tâm lý HS là nếu quý mến thầy cô nào thì sẽ thích học môn đó và kết quả học tập sẽ cao. Để trở thành một người bạn lớn của HS, phải xuất phát từ cái tâm, tình thương và sự chân thành của người thầy. HS sẽ hạnh phúc khi các em thích đến đến trường, được học tập, được chia sẻ và khẳng định mình.

Còn GV Đỗ Đức Anh, thầy giáo dạy ngữ văn của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), người được mệnh danh là “thầy giáo hotboy” trên mạng xã hội, thì cho rằng hạnh phúc là chỉ số có khả năng lây lan. Trường học hạnh phúc thì thầy cô phải hạnh phúc mới có thể truyền cảm hứng, niềm hạnh phúc của mình cho học trò.

Một môi trường học tập thân thiện, hòa đồng, an toàn là yếu tố tạo nên ngôi trường hạnh phúc

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thầy Đức Anh cho rằng có rất nhiều áp lực trong môi trường giáo dục. “HS đối mặt với áp lực điểm số, kỳ vọng của người lớn khiến HS chưa cảm thấy thực sự vui vẻ và hạnh phúc khi đến trường. GV cũng có nhiều áp lực và chưa thật sự cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình. “Sẽ không có nhà giáo hạnh phúc nếu bản thân công việc chưa giúp họ nuôi sống bản thân, gia đình. Trong điều kiện như vậy rất khó tạo ra sự hạnh phúc”, thầy Đức Anh chia sẻ.

Muốn truyền cảm hứng, năng lượng tích cực cho HS nên trong quá trình giảng dạy hay làm công tác chủ nhiệm, thầy Đỗ Đức Anh luôn đặt vấn đề, ngoài kiến thức thì luôn chú trọng yếu tố cảm xúc. Học trò sẽ cảm thấy vui hơn nếu được GV lắng nghe, được GV tiếp nhận thông tin đang quan tâm, cùng tìm cách cùng tháo gỡ và giải quyết. “Tôi luôn nghĩ rằng mình không chỉ là người thầy mà còn là người anh, là người đi trước, là bạn đồng hành để các bạn có thể sẵn sàng chia sẻ khó khăn. Khi các bạn chia sẻ, tôi thấy hạnh phúc vì được học trò tin tưởng. Phụ huynh cũng nên có những trao đổi nhiều hơn với GV, nhà trường để cùng tạo ra một môi trường tốt nhất để câu nói “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là khẩu hiệu mà đó sẽ là cảm xúc thật sự khi HS đến trường”, thầy Đỗ Đức Anh mong muốn.

Hạnh phúc chạm đến trái tim

Với thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), một môi trường giáo dục hạnh phúc thì trước khi chạm đến trí óc, phải chạm đến trái tim mỗi người. Làm sao để mỗi ngày HS đến trường được vui vẻ, GV giảng dạy với những niềm hăng say, phấn khởi.

Với HS, động lực thôi thúc đến trường đầu tiên chính là sự yêu thương từ thầy cô và sự quan tâm, thương mến từ bè bạn xung quanh.

Theo thầy Huy, khi sự yêu thương làm động lực dẫn đường thì an toàn chính là điều thứ hai đảm bảo cho niềm hạnh phúc được bền vững trong học đường. An toàn về thể chất (sức khỏe, thân thể) và tinh thần. Trong đó sự bạo hành về tinh thần chính là điều đáng sợ nhất. Sự không an toàn khiến các em dễ dàng từ bỏ động lực đến trường, từ bỏ ước mơ hay thậm chí từ bỏ bản thân mình.

Cuối cùng, niềm hạnh phúc sẽ thực sự vững chắc khi bên cạnh niềm thương yêu mỗi ngày, sự an toàn tuyệt đối còn cần sự tôn trọng. Một trái tim được tôn trọng là một trái tim hạnh phúc, biết tạo ra những nguồn năng lượng tích cực cho bản thân và bạn bè xung quanh. Thầy Tuấn Huy nhấn mạnh tôn trọng không chỉ là đánh giá đúng mức năng lực mà còn phải là sự giữ gìn danh dự của các em. Chẳng hạn một HS có sự khác biệt (ngoại hình, giới tính) trong bản dạng của riêng mình cần sự tôn trọng để không bị trở thành đối tượng của những lời châm chọc và công kích thậm chí đến từ chính người dạy học. Sự áp đặt, thiếu tôn trọng lấy mất đi của các em sự tự tin để thể hiện chính mình cũng như những khao khát, năng lực đặc thù mà bản thân các em có thể bộc lộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.